Categories Chuyển host

Các rắc rối thường gặp khi chuyển host cho website WordPress

các rắc rối khi chuyển hosting

Tôi mất 2 năm để quyết định đổi host! Lý do mà tôi do dự đến vậy là ký ức vài lần chuyển host ác mộng trước đây không thể quên nổi… Mất cả sáng để tải xuống dữ liệu về từ host cũ, rồi tải chúng lên host mới thông qua FTP (bằng phần mềm kiểu như FileZilla), tiếp đó là cập nhật tên database (cơ sở dữ liệu), các thể loại file với nhiều ký tự khó hiểu (wp-config.php), và cuối cùng gặp rất nhiều lỗi khiến cho website không thể nào trực tuyến được!

Và đó chỉ là website nhẹ nhàng thôi đấy ạ (tầm 3GB), khi quan sát thấy website định chuyển tăng dung lượng lên đến vài lần (đồng nghĩa với thời gian tải, up dữ liệu tăng lên tương ứng), mức độ tự tin của tôi gần như không còn nữa!


Thật may, sau khi phát hiện một số plugin giúp chuyển hosting cho WordPress nhanh gọn, tôi đã thấy công việc này dễ dàng hơn rất nhiều. Mất chỉ khoảng 10 – 30 phút gián đoạn để chuyển trong trường hợp được chuẩn bị kỹ. Các công cụ cụ thể là gì tôi sẽ đề cập bên dưới sau.

Còn bây giờ là những việc bạn nên để ý dù dùng bất cứ công cụ hay hình thức nào, chuyển nhà cho website không phải là công việc mà bạn được phép thiếu thận trọng.

Xem thêm: mấy công cụ hỗ trợ việc chuyển hosting, ngoài tool chính.


1. Backup website cẩn thận trước khi chuyển

Mọi thứ có thể không diễn ra như bạn muốn đâu (và thường nó sẽ như vậy đấy! Nhất là với những người còn bỡ ngỡ), tạo backup giúp bạn tự tin hơn và không lo ngại ngay cả khi có lỗi xảy ra trong quá trình chuyển host. Có rất nhiều plugin backup cho WordPress miễn phí, có chất lượng cao để bạn dùng.

Một vài cái tên tốt gồm UpdraftPlus, BackWPup.


2. Cân nhắc kỹ hosting mà bạn chuyển đến

Trước khi chuyển web sang nơi ở mới, bạn phải cân nhắc, chọn lựa kỹ gói host WordPress thay thế. Không nên vội vàng trong bước này vì đã chuyển nghĩa là chúng ta cần đến được nơi tốt hơn hoặc phù hợp nhu cầu hơn.

Một vài cái tên tốt là

  • VPS: Vultr, DigitalOcean, UpCloud.
  • Hosting trong nước: Azdigi của Thạch Phạm, vHost, BizFly Cloud.
  • Chuyên cho WordPress: Closte, Rocket.net, Chemicloud.
  • Shared hosting: Namecheap, Dreamhost.

3. Bạn phải sao chép toàn bộ dữ liệu của website

Tức là tất cả theme, database, upload (ảnh, mp3,…), plugin, và những tài nguyên khác. Nếu bạn muốn có được website y nguyên sau khi chuyển host, bạn cần sao chép toàn bộ dữ liệu của website tại host hiện có.

Đôi khi chúng ta chỉ lấy một phần dữ liệu trong quá trình chuyển host, nhưng đó chỉ trong trường hợp hiếm khi hosting mới không đủ dung lượng để đẩy lên đầy đủ dữ liệu khôi phục ngay lần đầu. Sau lần một, chúng ta vẫn phải lấy tiếp dữ liệu còn lại để đẩy lên.


4. Cần loại bỏ dữ liệu dư thừa

Tôi từng gặp phải tình huống thế này, dữ liệu gốc của website chỉ 300MB, nhưng dữ liệu dư thừa lớn gấp hơn 10 lần! chủ yếu là do các file backup tích trữ lâu dài. Tất nhiên ở trên chỉ là ví dụ có phần cực đoan, nhưng các trường hợp dung lượng lớn hơn cần thiết 2, 3 lần không hề hiếm gặp.

File dùng để khôi phục càng lớn, khả năng bị gián đoạn, gặp lỗi và mất thời gian càng cao do vậy chúng ta nên tối ưu dung lượng của nó trước khi tải về…Ngoài ra các plugin đã và đang cài cũng có khả năng tạo ra dữ liệu dư thừa lớn ở database hoặc khu vực chứa file của trang web.

Tôi từng trải qua việc tối ưu hóa database có thể giúp giảm đến hơn 70% dung lượng csdl. Để xóa dữ liệu thừa bạn có thể vào phpMyAdmin để can thiệp vào database, và dùng phần mềm FTP (ví dụ FileZilla) để vào khu vực lưu trữ file của trang. Tuy nhiên việc này nếu bạn thực hiện thì nó phải được làm với sự cẩn trọng cao độ, nếu xóa nhầm thì thà không xóa còn hơn!

PS. Các dữ liệu dư thừa bao gồm (nhưng không giới hạn):

  • Các file backup lưu toàn bộ website tại hosting cũ cục bộ của bạn.
  • Các file backup ảnh mà đa số các plugin nén ảnh, cache đều mặc định áp dụng, lưu lại toàn bộ ảnh của bạn.
  • Các ảnh hoặc tài nguyên media nói chung bạn không còn dùng trên website.

Nhìn chung, các website có tuổi đời càng lớn, khả năng bị dư thừa dữ liệu càng nhiều.


5. Vô hiệu hóa (tạm thời) plugin có thể gây xung đột với host mới

Điều này có thể xảy ra khi bạn dùng host ở các nơi có sự khác biệt lớn về phương thức cài đặt. Chẳng hạn share host hay VPS, Managed WordPress có thể được tối ưu sẵn cho các công nghệ khác nhau, và nếu bạn giữ nguyên các plugin đó khi chuyển sang host mới, nó có thể gây lỗi nghiêm trọng hoặc ít nhất là không tối ưu hiệu suất, tốc độ.

Một ví dụ điển hình về plugin như vậy là các plugin tạo cache. P/S: công bằng mà nói rắc rối này không dễ phát hiện ngay từ lúc ban đầu được, trừ khi bạn đã có kinh nghiệm rồi. Thường thì sau khi cài lên host mới việc phát hiện xung đột mới dễ dàng.

Vài ví dụ khác về plugin không tương thích: Chẳng hạn file .htaccess, cái này vốn chỉ có trên máy chủ Apache và LiteSpeed nhưng lại không có trên NGINX (một máy chủ web phổ biến khác), do vậy khi chuyển từ Apache sang NGINX, các plugin phải sử dụng .htaccess để hoạt động thường sẽ gặp vấn đề.

Ví dụ tiếp theo là về plugin nén ảnh EWWW, nó yêu cầu một số chương trình phải được cài đặt sẵn trên web server, vì nó sử dụng tài nguyên máy chủ của chính bạn để nén ảnh. Khi bạn chuyển sang server khác không có các hàm này bạn phải dùng plugin khác, một giải pháp khả dĩ là chọn kiểu plugin nén ảnh trên nền tảng của riêng họ (máy chủ riêng của plugin) chứ không phải web server của bạn, ví dụ như ShortPixel (nhược điểm là các plugin dạng này thường yêu cầu trả phí).


6. Sử dụng dịch vụ cập nhật DNS trung gian nhanh nhất có thể

Khi bạn đổi host bạn cũng phải cập nhật lại địa chỉ IP của hosting, cấp lại chứng chỉ bảo mật https, vv. Tất cả những điều này chỉ có thể tiến hành dễ dàng nếu bạn có dịch vụ DNS cập nhật đủ nhanh.

Tôi khuyên bạn nên sử dụng Cloudflare làm DNS trung gian, nó có tốc cập nhật rất tốt. Nếu bạn dùng DNS mặc định của nhà cung cấp tên miền hoặc của công ty hosting bạn có thể mất vài giờ hoặc thậm chí cả ngày để các bản ghi cập nhật (lan tỏa) ra các máy chủ DNS trên toàn thế giới. Trong khi với CloudFlare, chuyện này có khả năng cao chỉ tốn có vài phút.

Cách kiểm tra xem DNS mới đã cập nhật chính xác chưa: nếu DNS không cập nhật đúng địa chỉ IP, hoặc cập nhật trễ, website sẽ bị gián đoạn, và thao tác yêu cầu cấp https sẽ không thực hiện được (vì domain và hosting mới chưa được kết nối).

Bạn có thể dùng DNScheker.Org để kiểm tra xem các bản ghi đã cập nhật chính xác hay chưa. Tất cả các vị trí đồng thời hiển thị IP cập nhật mới thì OK, còn nếu không bạn nên đợi trước khi yêu cầu cấp https.

kiểm tra bản ghi DNS có trỏ ra IP mới

7. Khôi phục dữ liệu vào thời điểm ít khách truy cập nhất

Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bạn nên chọn khung thời gian mà sự gián đoạn của nó ít ảnh hưởng đến người dùng nhất. Thường là vào nửa đêm hoặc gần sáng.

Việc chọn vào khung giờ thấp điểm lợi nhiều cái, ngoài chuyện ít ảnh hưởng đến người truy cập nó còn giúp quá trình khôi phục diễn ra nhanh hơn, ít lỗi liên quan đến quá tải (hoạt động backup và khôi phục là hoạt động tốn nhiều tài nguyên).


8. Tốc độ internet tại nhà

Tốc độ kết nối thấp sẽ làm chậm quá trình chuyển hosting của bạn, khi bạn thực hiện phương thức tải file về rồi up file lên.

Cách khắc phục là lựa chọn thời điểm chuyển có ít người dùng internet, thường sẽ là đêm hoặc gần sáng. Tốc độ khi đó có thể nhanh hơn 2 – 3 lần thông thường.


9. Thời gian chuyển host quá lâu

Thời gian chuyển quá lâu có thể đến từ một trong hai, hoặc cả hai nguyên nhân đồng thời sau:

  • Website có dung lượng quá lớn: chúng ta cố gắng khắc phục hiện tượng này bằng cách loại bỏ tối đa dữ liệu dư thừa của nó;
  • Bạn sử dụng kiểu chuyển host dựa vào việc tải file về rồi up file lên: cách chuyển này thường chỉ hiệu quả về mặt thời gian với website dưới 5GB trên đường truyền internet từ 1MB/s đổ lên. Nếu không sẽ mất 4 – 5 tiếng mới xong nổi. Cách khắc phục là bạn sử dụng các kiểu chuyển host dựa vào Cloud hoặc SSH. Tốc độ đường truyền nội bộ giữa hai server có thể lên đến 5 – 10MB/s. Xem thêm chuyển hosting bằng SSH như thế nào.

10. Sau khi khôi phục cần kiểm tra lại kỹ website

Để đảm bảo rằng website vẫn hoạt động bình thường. Bạn cần kiểm tra menu, các đường dẫn trong web, các link ảnh, và các chức năng quan trọng khác xem nó có ổn không.

Một số chương trình khôi phục yêu cầu bạn lưu lại cấu trúc URL (permalink / đường dẫn tĩnh) để website được khôi phục hoàn hảo.

Các vấn đề có thể xảy ra sau khi chuyển host bao gồm:

  • Lỗi 404: vào đường dẫn tĩnh (permalink) để save lại, nếu vẫn chưa hết thì save lại cả rewrite rules;
  • Lỗi kết nối cơ sở dữ liệu: xem lại thông tin ở file wp-config.php đã chính xác tên database, username và mật khẩu chưa (lỗi này hay gặp nếu bạn thực hiện chuyển host thủ công, và phải tạo database thủ công);
  • Lỗi giao diện, hiển thị ảnh: có thể do liên kết đến ảnh và các file js, css là dạng không bảo mật (http) trong khi website của bạn là https. Bạn có thể dùng các plugin can thiệp vào cơ sở dữ liệu để cập nhật thông tin này, chẳng hạn như Better Search Replace (cách khắc phục khôn ngoan khác là trên hosting mới bạn cần tạo trước liên kết bảo mật rồi mới đẩy dữ liệu khôi phục lại sau);

11. Các bước tiến hành cụ thể ở dạng mô tả ngắn gọn

  1. Nên tiến hành chuyển host ít nhất 1 tuần trước thời điểm hosting cũ hết hạn. Làm như thế để nếu có rủi ro xảy ra trong lúc chuyển bạn vẫn có host cũ để dùng, và ít nhất một bản sao dữ liệu của website;
  2. Chọn plugin restore chất lượng, ví dụ như All-in-One WP Migration Unlimited Extension (xem hướng dẫn sử dụng) hoặc UpdraftPlus. Chọn phiên bản mới nhất, để hạn chế tối đa lỗi. Nếu là mua các bản pro, bạn hãy chọn các bản chính thức, tránh mua bản lậu (null);
  3. Tạo các bản backup cho website, để một bản ở máy tính, và đẩy lên cloud một số bản (ví dụ đẩy lên Google Drive);
  4. Loại bỏ dữ liệu dư thừa, nhưng không cần quá gắt gao như khi tối ưu tốc độ, bạn làm tương đối là được, chủ yếu để tránh file restore có kích thước quá lớn. Riêng can thiệp database rất rủi ro, nên nếu bạn không thành thạo thì không nên làm;
  5. Dùng plugin restore để tạo và tải về dữ liệu website để chuyển, thường là sao chép y nguyên trang hiện có, không bỏ sót dữ liệu nào (trừ dữ liệu thừa);
  6. Dùng DNS trung gian (khuyên dùng CloudFlare) để cập nhật sang địa chỉ IP của hosting mới;
  7. Kiểm tra xem website đã trỏ đến địa chỉ IP mới hay chưa;
  8. Tạo liên kết https cho tên miền nếu trước đây trang của bạn là dạng này;
  9. Thực hiện chuyển hướng từ có-www sang không-www hoặc ngược lại tùy theo trạng thái trước đây của website (giờ nhiều control panel mặc định sử dụng cấu trúc website là không-www);
  10. Tạo trang web WordPress trắng (nghĩa là cài WP không có dữ liệu trên hosting mới);
  11. Cài lại plugin restore lên trang WordPress trắng;
  12. Tải lên dữ liệu có được từ bước 5;
  13. Thực hiện theo các chỉ dẫn của plugin restore;
  14. Kiểm tra kỹ càng lại website để đảm bảo rằng quá trình chuyển host không xảy ra lỗi. Ngoài ra nên xem lại có plugin nào được kích hoạt hoặc bị vô hiệu hóa ngoài dự tính hay không;
  15. Bạn nên theo dõi uptime của hosting mới nếu trước đây bạn chưa sử dụng dịch vụ này. Được cái có nhiều dịch vụ kiểm tra uptime có chất lượng tường đối tốt và miễn phí để bạn sử dụng (hoặc đơn giản bạn có thể dùng plugin JetPack để theo dõi uptime, đây là plugin đa dụng ngày càng cải tiến chất lượng, và tôi dần yêu thích nó hơn so với ngày xưa);

Nếu việc chuyển host của bạn là từ WordPress.com sang WordPress.org, nó sẽ có một số đặc thù riêng, tôi đã viết về nó, bạn có thể tham khảo ở đường link vừa dẫn.


12. Các vấn đề có thể xảy ra trong quá trình chuyển host & cách khắc phục

Đây là những cái có thể xảy ra, và bạn hoàn toàn có khả năng chủ động khắc phục trước được, để quá trình chuyển host diễn ra thuận lợi:

  • File restore có kích thước quá lớn: Nguyên nhân file restore có kích thước quá lớn thì có nhiều, ở phần trên chúng ta đặt tên chung cho hiện tượng này là dư thừa dữ liệu;
  • Các nguyên nhân cụ thể của nó gồm: (1) do các plugin backup lưu trữ nhiều bản sao chép của toàn bộ website và file restore lúc tạo bản zip nén luôn cả các file backup này. Cách khắc phục là bạn tìm các file backup đó, tải nó xuống máy tính, rồi xóa các file đó trên host và tạo lại file restore. (2) do plugin backup cho ảnh và các dữ liệu media nói chung;
  • Nhiều plugin tối ưu hóa ảnh, tạo một folder backup ảnh gốc, câu chuyện thậm chí còn trở nên phức tạp hơn nếu bạn sử dụng thêm định dạng ảnh WebP, lúc này 100MB ảnh gốc ban đầu có thể phát triển lên thành 560MB (100MB ảnh gốc to + 100MB ảnh gốc nhỏ tương ứng cho các kích cỡ màn hình khác nhau + 200MB backup cho ảnh gốc to nhỏ và khoảng 160MB ảnh WebP).
  • Thường thì bạn không nên xóa bất cứ dữ liệu backup nào của các công cụ tối ưu hóa ảnh TRỪ KHI nó có dung lượng quá lớn, đồng thời bạn chắc chắn rằng xóa nó không ảnh hưởng gì đến website.
  • (3) các plugin đã được gỡ bỏ nhưng không xóa triệt để dữ liệu. Số lượng kiểu này rất đa dạng chúng có thể tạo dư thừa cả ở database lẫn ở folder chứa thư mục web. Dư thừa ở database thường không lớn, 100 – 200MB là nhiều, nhưng dư thừa ở folder có thể lên đến hàng vài GB trong một số trường hợp. Cách khắc phục là bạn xác định chắc chắn các dữ liệu dư thừa và xóa chúng đi. Nếu không chắc chắn thì không nên xóa.

  • IP host mới cập nhật quá lâu: Nếu IP host không được cập nhật, mọi thứ sẽ bị gián đoạn, bạn không thể kết nối tên miền với host mới và do vậy chẳng thể khôi phục lại dữ liệu. Nếu trước đây chưa dùng các DNS trung gian như CloudFlare thì đây là lúc bạn nên dùng. Trước khi chuyển host vài ngày bạn nên chuyển sang dùng DNS trung gian (lúc này các IP vẫn là của hosting cũ, ý ở đây là DNS của bạn đã chuyển sang dạng trung gian, chứ đến lúc chuyển host bạn mới dùng thì dù vẫn tốt hơn không dùng nhưng chưa phải cách thức tối ưu).
  • Đã up dữ liệu lên thành công nhưng nhận thông báo không thể khôi phục được do giới hạn ổ SSD: hosting của bạn thiếu dung lượng, để chuyển host theo kiểu tải file về rồi up lên để khôi phục, hosting của bạn cần có dung lượng gấp đôi dung lượng của website cần chuyển;

P/S: Nếu việc chuyển host website đi kèm với cả việc chuyển tên miền, công việc sẽ vất vả hơn khá nhiều. Bạn có thể đọc hai bài viết sau để quá trình diễn ra thuận lợi hơn:


13. Plugin miễn phí giúp chuyển host nhanh gọn

Ở trên tôi có đề cập đến plugin All-in-One WP Migration, nó là plugin chuyển host rất tốt nhưng có giá khá chát. Gần đây tôi mới phát hiện ra plugin miễn phí chuyển host cũng ổn, đó là Migrate Guru, hướng dẫn sử dụng nó ở liên kết này. Ưu điểm của Migrate Guru là có khả năng chuyển được các website có dung lượng lớn, quá trình chuyển xảy ra trong chế độ nền, hoạt động được trên tất cả các kiểu hosting.

Ngoài ra, bạn nào yêu thích sự đơn giản, hãy sử dụng plugin UpdraftPlus để chuyển host, nó rất dễ dùng và ổn định.

Cuối cùng, nếu các cách chuyển bằng plugin không tiến hành được, hoặc bạn muốn thử đào sâu WordPress hơn, hãy tìm hiểu cách chuyển hosting thủ công khá nhanh nhờ tận dụng tính năng nén và giải nén của control panel.


14. So sánh giữa chuyển nhà và chuyển host

Ai từ quê lên thành phố sống và lập nghiệp chắc không ít lần chuyển nhà. Và nó có nhiều tương đồng với việc chuyển host cho website, thông tin dưới đây giúp bạn dễ hiểu hơn câu chuyện chính mà chúng ta đang bàn:

Chuyển nhà Chuyển host
Bạn không chuyển nhà vào lúc quá sát ngày phải trả nhà, nên tiến hành trước để không phải vội vàng Bạn không chuyển host vào lúc hosting cũ hết hạn, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro mất trắng dữ liệu
Bạn chỉ tự chuyển nhà nếu đồ đạc không nhiều Bạn chỉ dùng FTP để chuyển host nếu website nhỏ
Nhà nhiều đồ đạc nên bạn thuê công ty vận chuyển chuyên nghiệp Website nặng nên bạn dùng các plugin chuyển host chuyên nghiệp
Bạn có thể phát hiện ngôi nhà có quá nhiều đồ đạc dư thừa cần bỏ lại Website có hàng tá dữ liệu không cần thiết
Có nguy cơ về việc thiếu đồ, mất đồ, hỏng đồ trong quá quá trình chuyển đổi sang nhà mới Có nguy cơ về việc bạn làm mất dữ liệu, không khôi phục lại hoàn chỉnh website nếu không cẩn thận
Việc chuyển nhà làm gián đoạn cuộc sống thường nhật của bạn Việc chuyển host làm gián đoạn khả năng truy cập của người dùng
Bạn chọn thời điểm chuyển nhà vào lúc rảnh rỗi, và ít ảnh hưởng đến những người xung quanh (tránh khung giờ cao điểm, khi thang máy, đường xá, vân vân đều chật chội) Bạn chọn chuyển host vào khung thời gian ít ảnh hưởng đến người dùng của bạn nhất
Bạn cần chuẩn bị nhà mới, dọn dẹp nó kỹ càng trước khi chuyển đồ từ nhà cũ sang Bạn cần chuẩn bị hosting mới. Học cách sử dụng nó căn bản để lúc thao tác diễn ra nhanh chóng

Hy vọng quá trình chuyển host của bạn diễn ra thuận lợi. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn.

Comments are closed.

Back to Top