Categories Chuyển host

3 plugin giúp chuyển host cho WordPress nhanh chóng, dễ dàng

chuyển host nhanh chóng

Chào mọi người, nếu tên miền thường ổn định, thì hosting chúng ta chuyển qua lại nhiều, nhằm tìm được dịch vụ tối ưu cả về chức năng lẫn chi phí. Trong bài viết này, tôi sẽ bàn về các biện pháp chuyển sao cho nhanh gọn và hiệu quả. Vì nếu làm không khéo thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến website.

Đây là bài viết tổng quan. Trong phần này, tôi sẽ chỉ nói đến các bước chuẩn bị, công cụ & tác dụng của chúng chứ không đi vào chi tiết. Tuy nhiên bạn vẫn có thể tìm đọc riêng từng bài được link trong bài này (Kiến càng đã viết đủ cả) để biết rõ cách làm việc với từng plugin.

Video giới thiệu:

Tổng kết nhanh:

So sánh sâu:

UpdraftPlus Aio WP Migration Thủ công Migrate Guru SSH
Mức độ dễ dùng (cao thì tốt hơn) 8 10 5 7 4
Giá Free Free web dưới 512MB Free Free Free
Tốc độ chuyển host
(cao thì tốt hơn)
8 10 6 7 10
Hình thức chuyển Tải về – up lên / Cloud Tải về – up lên (free)

Link (trả phí)

Cloud (trả phí)
Tải về – up lên Giao tiếp giữa hosting
cũ và mới
Giao tiếp giữa hosting
cũ và mới
Phù hợp nhất với kiểu website nào Website dưới 10GB Website dưới 10GB Website dưới 5GB Website có dung lượng rất lớn Website có dung lượng rất lớn
Thời gian học cách dùng
(kinh nghiệm cá nhân)
30 phút 10 phút 12 tiếng 2 tiếng 48 tiếng
Phụ thuộc vào tốc độ đường truyền internet tại nhà (không phụ thuộc thì tốt hơn) Không / Có Không / Có Không Không
Khó khăn lớn nhất Không có Tốn tiền với web > 512MB Học cách tạo database

Sửa file wp-config.php
Tạo tài khoản FTP

Chỉ đúng thư mục của website
Hosting cần hỗ trợ SSH

Học một tá câu lệnh
Tổng kết 10 9 7 8 8

Đây là bộ công cụ đi cùng với tôi khoảng 2 năm trở lại đây, vì khoảng thời gian đó tôi rất tích cực thử nghiệm và tìm hosting mới. Hồi đầu thì chỉ loanh quanh với Dreamhost và gói DreamPress của họ, giờ đã thử được thêm Vultr, DigitalOcean, Closte, SiteGround, ChemiCloud.

Nói đến chuyển hosting bạn nên sử dụng các công cụ tự động thay vì làm thủ công, lý do là:

  • Nó nhanh hơn;
  • Hiếm khi xảy ra lỗi.

Điều này đặc biệt đúng với những ai mới dùng WordPress, hoặc kể cả dùng lâu rồi nhưng bạn không mạnh về kỹ thuật.


PS: chuyển hosting thủ công có hai kiểu, (1) hoàn toàn thủ công với việc tải từng file lẻ xuống và lên bằng phần mềm FTP (ví dụ Filezilla), cách này thực sự rất lâu và hay lỗi, (2) bán thủ công với việc nén dữ liệu dưới dạng zip rồi giải nén trên hosting mới, cách này thì ổn hơn nhiều và kể ra cũng không chậm chạp lắm.


1. Dữ liệu trong WordPress gồm những gì?

  • Cơ sở dữ liệu hay còn gọi là database: dữ liệu lưu trên này giống kiểu bảng tính excel, nó giống như bộ nhớ của WordPress;
  • Dữ liệu về theme: là các giao diện trang của bạn đang dùng;
  • Dữ liệu về plugin: là các plugin mà trang web bạn đang cài đặt, bao gồm cả plugin đã kích hoạt & chưa kích hoạt;
  • Dữ liệu media: là các file đa phương tiện lưu trong thư viện media, chủ yếu là ảnh, âm thanh hoặc video. Đa số số các website chỉ lưu ảnh trong media mà thôi. Video và âm thanh hiếm khi đẩy trực tiếp lên website mà sử dụng dịch vụ của bên thứ ba, chẳng hạn như YouTube (với video), Soundcloud (với âm thanh), vân vân…Đặc biệt với âm thanh bạn hiện có rất nhiều bên thứ ba hỗ trợ;
  • Các dữ liệu khác: ngoài các dữ liệu trên;

Trong các kiểu dữ liệu vừa được nhắc, dữ liệu media là nặng nhất, thường chiếm từ 60 – 90% dung lượng website.


2. Chọn thời điểm chuyển hosting

Các biện pháp chuyển hosting dựa vào plugin thường gây gián đoạn ít nhiều cho website. Để hạn chế điều này bạn nên làm như sau:

  • Chuẩn bị kỹ trước khi chuyển;
  • Chuyển vào khung thời gian ít ảnh hưởng nhất tới người dùng;
  • Nếu chuyển theo kiểu up dữ liệu từ máy tính cá nhân lên hosting mới thì cần đảm bảo đường truyền internet tại nhà hoạt động ổn định;

3. Trước khi chuyển hosting

Bạn cần nắm rõ các thông tin sau, cũng như làm một vài thứ trước khi chuyển hosting:

  • Luôn có backup dữ liệu dự phòng, nhiều bản càng tốt, bạn có thể lưu một bản trên máy tính cá nhân, một bản trên cloud (ví dụ Google Drive, một trong các cloud tôi thấy có chất lượng nhất). Riêng backup thì thừa bao giờ cũng tốt hơn thiếu;
  • Tránh chuyển hosting lúc sắp hết hạn hosting cũ, chuyển trước một, hai tuần là đẹp- đỡ phí thời gian dư & cũng không nguy hiểm nếu chẳng may quá trình chuyển hosting không diễn ra êm đẹp- tức là bạn vẫn có thời gian để khắc phục vấn đề;
  • Usename & Pass của website (tất nhiên rồi!);
  • Đa số các biện pháp chuyển hosting yêu cầu bạn cài đặt trang WordPress trắng trên hosting mới. Để giảm thiểu công sức sửa lỗi sau khi hoàn tất quá trình chuyển hosting thì trên trang trắng bạn cần tạo https cho tên miền (nếu bạn đang dùng https), cũng như cập nhật thông tin tương ứng ở phần WordPress Address (URL) & Site Address (URL) giống với thông tin gốc (ví dụ như cũng bao gồm https);
  • IP, user, pass của FTP hosting cũ cũng như hosting mới: với thông tin tài khoản FTP không phải lúc nào cũng cần thiết, nó chỉ cần trong một số hình thức chuyển hosting, có nhiều plugin chuyển host bạn chỉ cần thông tin đăng nhập website là đủ;
  • Filezilla hoặc phần mềm tương tự để đăng nhập FTP: cũng chỉ cần với một số plugin, có nhiều plugin chuyển host trong bài này không cần đến Filezilla, plugin là đủ;
  • Hosting cũ & hosting mới có dung lượng ổ đĩa đủ đáp ứng việc chuyển hosting. Thường thì dung lượng hosting cần có hơn gấp đôi dung lượng cần dùng. Ví dụ website của bạn có 4GB dung lượng, bạn cần mua hosting có 10GB dung lượng. Trong trường hợp hosting của bạn chỉ có 5GB thì làm như thế nào, vẫn có mẹo để xử lý, tuy rằng mất công hơn, bạn có thể tham khảo bài viết này: https://kiencang.net/chuyen-host-khong-du-ssd/
  • Đã làm quen với hosting mới, nhất là khi bạn chuyển hosting và sử dụng khác control panel (Plesk, cPanel, CyberPanel, DirectAdmin, CentmindMod, vân vân), hoặc/và web server (Apache, NginX, LiteSpeed); Việc làm quen này giúp việc chuyển hosting diễn ra nhanh hơn thay vì phải mày mò trong khi chuyển host;
  • Nếu dùng cách chuyển hosting bằng SSH (đây là giải pháp khó hơn, sử dụng câu lệnh thay vì plugin) thì cần nắm thông tin tương ứng về user, mật khẩu và phần mềm để truy cập nhanh SSH. Một điểm cần lưu ý là không phải hosting nào cũng hỗ trợ SSH, hoặc có nhưng bạn phải chủ động mở;
  • Nếu chuyển hosting, kèm với chuyển tên miền thì cần phải redirect 301 tên miền cũ về tên miền mới, thông báo lên Google Search Console để tránh tụt hạng SEO, cũng như kiểm tra lại hàng loạt các plugin trả phí để cập nhật license keys cho tên miền mới (đa số các plugin trả phí sẽ tự động xóa mã kích hoạt trên tên miền mới). Cập nhật bất cứ thay đổi nào khác liên quan như logo, chân trang, vân vân;

OK, và đây là combo dành cho bạn:

  • UpdraftPlus: trước khi chuyển host bạn cần backup toàn bộ website. Điều này giúp phòng tránh rủi ro. Bản thân UpdraftPlus cũng dùng được để chuyển host, nó khá ổn vì chuyển thông qua cloud như Google Drive, hoặc tải về máy tính rồi up ngược lên. Ưu điểm khi chuyển hosting bằng UpdraftPlus là nó hoàn toàn miễn phí, không bị giới hạn dung lượng. Nhược điểm là chỉ áp dụng ổn khi chuyển hosting giữ nguyên tên miền. Bản miễn phí của nó kém hơn một chút so với All in one WP migration sẽ được đề cập ngay dưới đây (so sánh chắc chắn không công bằng vì AioWPm là plugin trả phí khi chuyển website có dung lượng lớn);
  • All in one WP migration vs All-in-One wp migration unlimited extension: dùng để xuất và nhập dữ liệu backup. Nó sẽ tải 1 file nén duy nhất cho toàn bộ trang về, đây là công cụ tôi thấy rất ổn định, tôi đã nhiều lần chuyển trang có 5 – 7 GB dữ liệu với nó mà không gặp vấn đề gì. Khi xuất dữ liệu bạn dùng bản miễn phí không thành vấn đề, nhưng khi nhập dữ liệu thông qua plugin thì bạn cần dùng bản trả phí của họ với các website có hơn 512MB. Bạn có thể đọc chi tiết cách chuyển host bằng plugin All in one WP migration trong bài viết này. Ở phần CẬP NHẬT gần cuối tôi bổ sung thêm các công cụ chất lượng cao khác dành cho việc chuyển hositng, chúng có thể là thay thế rất tốt cho AioWPm vì chúng hoàn toàn miễn phí (bất kể dung lượng website), chứ không làm bạn tốn một đống tiền như AioWPm. Ưu điểm nổi bật của AioWPm là rất dễ dùng, ngay cả với những ai mới lần đầu làm quen WordPress, ngoài ra chuyển hosting kèm chuyển tên miền cũng không gặp vấn đề gì. Nhược điểm: nó chỉ miễn phí khi dung lượng chuyển dưới 512MB, tuy nhiên bạn có thể khắc phục vấn đề này bằng mẹo tạm thời loại bỏ tài nguyên media, và up thủ công lại sau bằng FTP, vì media chiếm phần lớn dung lượng website, nên giới hạn 512MB trong phần lớn trường hợp, kể cả trên website khá lớn cũng ít khi bị chạm tới;
  • Cloudflare: sử dụng dịch vụ DNS của Cloudflare cho tốc độ trỏ tên miền về IP mới rất nhanh, chỉ 2- 3 phút là tất cả các máy chủ phân giải DNS chính trên toàn cầu đã cập nhật IP mới. Nhiều DNS mặc định của nhà cung cấp tên miền có thể mất đến 2, 3 tiếng hoặc cả ngày. Nhờ tốc độ cao của Cloudflare, bạn sẽ chuyển hosting nhanh hơn, ít bị gián đoạn hơn;
  • DNS checker: nó sẽ kiểm tra IP trang web của bạn cụ thể là gì tại các vị trí khác nhau trên thế giới. Nếu thấy địa chỉ IP ở vị trí nào đó chưa cập nhật (nhất là vị trí gần hosting bạn định chuyển đến / thường là Singapore với trường hợp Việt Nam) thì bạn nên đợi thêm trước khi cài website. Nếu vẫn cố cài khi IP chưa cập nhật, có thể bạn sẽ không cài thành công hoặc gặp vấn đề với việc yêu cầu cấp phép chứng chỉ SSL (nếu trang bạn đang dùng https);
  • Better Search Replace: nếu trang của bạn đang dùng liên kết bảo mật https thì sau khi khôi phục dữ liệu bạn có thể cần dùng công cụ này để chỉnh sửa các đường dẫn từ http thành https (thường hay xảy ra với các file như ảnh, css, js). Nếu không chuyển, trang web của bạn sẽ gặp cảnh báo, và mất khóa xanh bảo mật. Một plugin tốt khác có thể đảm nhiệm vai trò này là plugin Search & Replace;
  • Htaccess Editor – Safely Edit Htaccess File: nếu website của bạn có file .htaccess (máy chủ Apache hoặc LiteSpeed) thì sau khi chuyển host bạn có thể cần phải chỉnh sửa file này để chuyển www về không-www hoặc ngược lại. Hay để trang truy cập từ dạng http chuyển hướng về https. Plugin trên giúp bạn chỉnh sửa file .htaccess an toàn hơn, vì nó có khả năng backup và kiểm tra trước, giúp bạn hạn chế lỗi. Một số plugin như Yoast SEO cũng có tính năng chỉnh sửa .htaccess thông qua giao diện người dùng, tuy nhiên không tốt bằng plugin trên;
  • Kiểm tra chuyển hướng với Redirect-checker: kiểm tra chuyển hướng thủ công có thể không chính xác do cache trình duyệt và cả cache DNS ngay trên máy tính của bạn… Bạn nên sử dụng công cụ trên để check, ví dụ như kiểm tra chuyển hướng từ http thành https hoặc từ www về không-www (hoặc ngược lại);
  • Mắt bạn: Tôi không đùa đâu, sau khi áp dụng tất cả các công cụ trên hay bất cứ công cụ nào khác thì công cụ cuối cùng vẫn phải là kiểm tra bằng mắt xem trang có hoạt động bình thường không (chẳng có công cụ phát hiện lỗi nào tốt hơn mắt bạn đâu!). Bạn truy cập vào các thư mục, bài viết, kéo lên kéo xuống, click vào bài nọ bài kia, nhìn ảnh trên trang, v.v… cốt là để phát hiện được bất cứ lỗi nào có thể xảy ra;

PS: trước khi chuyển hosting, bạn nên tiến hành loại bỏ hoặc vô hiệu hoá các plugin vs dữ liệu dư thừa, điều này sẽ giúp trang chuyển nhanh hơn và tránh xung đột trên web server mới.

  • Các dữ liệu dư thừa điển hình bao gồm các file backup lưu tại local host (hosting gốc) mà bạn đã tải về máy tính cá nhân hoặc đã up lên cloud, những file đó có thể lên đến hàng trăm MB cho đến vài GB.
  • Tiếp theo là các file ảnh backup của các plugin nén ảnh, nếu bạn sử dụng phương thức nén không mất dữ liệu & đã kiểm tra ảnh trên website ổn rồi thì loại bỏ nó cũng tiết kiệm được kha khá dung lượng, nhất là trên các trang vốn nhiều ảnh sẵn.
  • Cuối cùng là các plugin, cái nào không dùng bạn nên loại bỏ luôn. Mấy plugin cache tạm thời vô hiệu hóa, rồi up xong kích hoạt lại sau sẽ an toàn hơn (tuy nhiên chỉ nên vô hiệu hóa nó nếu bạn chuyển hosting khác webserver, còn cùng webserver thì không phải lo lắng gì).
  • Ngoài ra nếu vô hiệu hóa plugin cache, bạn nhớ tải về file cài đặt (settings) của nó để sau này cài lại đỡ mất công chỉnh settings (nhờ file cài đặt, bạn chỉ cần up ngược file settings lên là xong), vì các cài đặt trên plugin cache trong nhiều trường hợp rất phức tạp- bạn đã mất nhiều thời gian để tìm ra nhóm cài đặt tốt nhất cho trang, giờ phải làm lại từ đầu sẽ vất vả đấy!

Sắp tới tôi sẽ tìm thử xem có plugin nào đủ chất lượng nhưng miễn phí để thay thế All-in-one WP migration hay không. Vì AioWPm có giá khá đắt (rẻ nhất là 69$ cho kiểu backup tải file về rồi up ngược lên, gói backup thông qua cloud là 99$). Nếu bạn không hay phải chuyển host thì dùng nó sẽ tốn kém.

Khoe chút là trang Speed.Family vừa bay từ Closte về DigitalOcean, thời gian bay hết có 15 phút.


CẬP NHẬT: tôi mới tìm được plugin chuyển host có chất lượng rất tốt, nhiều người đã chuyển website có dung lượng lên đến 30GB mà không gặp vấn đề gì, tên bạn ấy là Migrate Guru (nghĩa đen là bậc thầy chuyển host). Ngoài ra là cách chuyển host bằng SSH, ưu điểm là tốc độ chuyển nhanh hơn dùng plugin từ 5 – 20 lần tuỳ điều kiện mạng thực tế nhà bạn, đặc biệt thích hợp với các website có dung lượng cực lớn. Tuy nhiên để dùng SSH bạn phải học cách gõ lệnh khá vất vả.

Comments are closed.

Back to Top