Categories Cache Combo DigitalOcean Hosting Litespeed

Combo DigitalOcean + CyberPanel + OpenLiteSpeed: có thể đây là gói hosting nhanh và rẻ nhất cho những ai không phải là coder

Cài đặt CyberPanel đễ dàng

DigitalOcean từ lâu đã là VPS được xếp vào hàng uy tín, tuy nhiên ở Việt Nam nó lại không phổ biến, Vultr mới là VPS hay được dùng. Nguyên nhân có thể là vì việc đăng ký yêu cầu xác nhận khá phức tạp (về mặt cảm xúc thôi, chứ các thao tác cũng không lằng nhằng lắm). DigitalOcean bắt người đăng ký phải chụp mặt trước, mặt sau thẻ căn cước (hoặc bằng lái xe, hộ chiếu) + chụp ảnh selfie thông qua webcam của laptop (chẳng khác mấy đăng ký sim chính chủ).

Thế còn CyberPanel thì sao, họ là control panel chuyên cho LiteSpeed gồm cả OpenLiteSpeed web server (bản miễn phí) vs LiteSpeed web server (có phí). Với CyberPanel thậm chí bạn có thể dùng LiteSpeed web server hoàn toàn miễn phí với điều kiện bạn chỉ dùng nó cho một website có RAM của host dưới 2GB.

Nói thêm về OpenLiteSpeed web server, tuy chỉ là bản miễn phí phục vụ mục đích maketing, kiếm người dùng cho bản có phí (mô hình freemium), nhưng nhiều người đánh giá nó rất tốt, còn hơn hoặc ngang ngửa Nginx.


Ừm, thế tại sao nó có thể là gói tốt nhất cho những ai không phải là coder?

Không phải coder hay không được học hành bài bản về web mà muốn có trang xịn sò thì bạn phải bỏ tiền ra để thuê, chuyện cũng thường, ở đời cái gì chả thế.

Vấn đề là khi chúng ta vừa không có tiền mà lại muốn (hay buộc phải) tự mày mò làm web cho thật ngon, lúc này mới có nhiều chuyện bi hài.

Mới đây trên nhóm Facebook về WordPress có cuộc thảo luận rất gay gắt giữa một bên là những người làm web tay ngang và bên kia là coder chuyên nghiệp.

pro và tay ngang

Đại khái câu chuyện là thế này:

  • Bên tay ngang thì có ý nói rằng bên pro không nhiệt tình lắm, không hiểu nền tảng của tay ngang rất thấp nên hay đưa ra gợi ý, hướng dẫn làm khó họ & thường là không làm được.
  • Bên pro thì nói rằng các bạn tay ngang hay đòi hỏi quá nhiều, kiểu ăn tất ăn cả đất xung quanh & nền tảng quá thấp nên nhiều khi các pro không muốn trả lời vì vừa chưa chắc tay ngang đã hiểu gì, mà lại đỡ rách việc kiểu “nhỡ nó hỏi thêm, nhờ làm hộ thì lại mệt”.

Tôi chẳng bàn chuyện ai đúng ai sai ở đây, tại anh tại ả tại cả đôi đường thôi!

Quan điểm thì chẳng có gì sai miễn nó chẳng hại ai, tuy nhiên nó sẽ thành vấn đề khi quan điểm ấy cứng nhắc, đóng hộp và không chấp nhận quan điểm của người khác. Hệ quả là người ta sẽ đổ sự giận dữ lên những ai không đồng suy nghĩ.

Bạn thấy không, nếu có các công cụ hỗ trợ cho những ai không phải coder bạn sẽ tránh được tình huống éo xèo xèo kể trên (từ cả 2 phía). Tất nhiên các công cụ tiện dùng chỉ như muối bỏ bể trong thế giới web phức tạp, suy cho cùng chúng ta cần thông cảm cho nhau, lắng nghe nhu cầu, nguyện vọng của phía bên kia thì những kiểu tức giận ngấm ngầm ở trên mới hết.


Tâm sự như vậy là đủ, tôi quay lại phần trọng tâm, cái hay của DigitalOcean là thao tác cài đặt CyberPanel chỉ cần qua vài click.

PS: hiện trên Vultr chưa có app-1-click cho mọi người cài CyberPanel, tuy nhiên bạn vẫn có thể sử dụng dòng lệnh để cài, không khó lắm đâu, tôi có viết bài hướng dẫn chi tiết ở đây.


Mấy điểm cần lưu ý

1. Để đỡ mất công đăng ký thì nếu bạn có tài khoản Gmail rồi thì có thể đăng nhập qua đây luôn cho đơn giản.

đăng nhập qua Google

2. Thao tác xác thực qua thẻ căn cước (hoặc bằng lái xe) vs chụp màn hình diễn ra rất nhanh.

Đừng vì tự ái không thèm đăng ký chỉ vì họ bắt xác thực, tại lừa đảo nhiều quá mà! Chúng ta phải chấp nhận chịu khó một tí thôi.

Mẹo ở đây là bạn nên chọn giấy tờ nào có ảnh mặt và thông tin rõ nét, chụp ảnh bằng điện thoại hay bị xoay khung hình bạn nên chỉnh lại cho đúng chiều rồi hẵng gửi.

Tôi chụp bằng điện thoại, gửi ảnh lên Facebook cá nhân ở chế độ chỉ mình tôi, sau đó đăng nhập từ Laptop, tải về, chỉnh ảnh đúng chiều, gọn gàng rồi gửi lên. Chỉ mất có 5 phút để hoàn thành xong. Có vẻ DigitalOcean (DO) sử dụng công cụ xác thực tự động chứ không phải thủ công nên mới nhanh được như vậy.

3. Thanh toán qua PayPal hay VISA đều được.

DigitalOcean có 2 hình thức thanh toán mà bạn có thể dùng là VISA và Paypal. Tôi thường dùng cả hai, nhưng nghiêng về PayPal nhiều hơn. PayPal là dạng trả tiền trước do vậy giúp bạn tránh việc thẻ VISA lỗi không thanh toán được khi đến cuối tháng.

4. Đừng lo nếu bạn thấy thông báo lỗi bảo mật khi truy cập CyberPanel thông qua IP

Sau khi cài đặt xong, để truy cập panel quản trị bạn phải dùng địa chỉ IP. Thông qua địa chỉ như: IP_cua_ban:8090

Khi làm như vậy trên Chrome bạn sẽ thấy thông báo kiểu thế này:

liên kết không bảo mật
Nhọ thật, phần trên thì cẩn thận che IP, phần dưới lại để tồng ngồng!

Bạn đừng lo, cứ click vào Tiếp tục truy cập 206.189.37.81 (không an toàn) để vào panel quản trị.

CyberPanel phần đăng nhập

5. Hơi cay về cái vụ mật khẩu đăng nhập vào control panel

Lúc bạn tạo CyberPanel sẽ có một lần DO bảo bạn tạo mật khẩu, nhưng đó là mật khẩu cho Console với user là root chứ không phải là pass cho phần đăng nhập vào trang quản trị của CyberPanel (xem thêm: 3 mật khẩu cần biết khi dùng CyberPanel). Điều này làm tôi nhầm lẫn mất mấy tiếng, thử đủ mấy phần mềm command line mà chẳng giải quyết được vấn đề!

Nhưng đừng lo, tôi không để bạn dẫm lại vết xe đổ đâu!

Để tìm mật khẩu cho panel, cách làm như sau.

Đầu tiên bạn vào Droplets của bạn rồi click vào ba dấu chấm nằm ngang để vào console:

Truy cập vào Console

Một màn hình đen hiện ra yêu cầu bạn nhập user và password. Đây chính là user và pass mà bạn tạo lúc cài CyberPanel trên DO. User mặc định là root, còn pass chính là cái bạn chọn. Nhập user xong bạn nhấn enter, nó sẽ hỏi tiếp pass, gõ xong bạn nhấn enter tiếp.

Hơi khó chịu một chút là khi gõ pass, bạn sẽ chẳng thấy dấu hiệu gì là đang nhập dữ liệu (không có mấy dấu hoa thị * như này đâu). Tuy nhiên may mắn là bạn có thể copy-paste mật khẩu vào (trên DO thì làm được điều này, còn khi cài đặt CyberPanel trên Vultr tôi phải gõ thủ công).

Giờ mới xong phần 1. Tiếp theo bạn cần copy rồi paste vào console từ khóa sau:

sudo cat .litespeed_password

Và lúc này Console sẽ trả về mật khẩu cho bạn.

mật khẩu đăng nhập CyberPanel

Nó nằm ở phần admin_pass. Username mặc định là admin.

6. Thiết lập https và tên miền riêng cho trang quản trị

Đăng nhập qua IP chỉ để chúng ta vào được Control Panel rồi điều chỉnh tiếp thôi, chứ bạn nên cài https và tên miền riêng cho trang quản trị của CyberPanel, để nó vừa dễ nhớ cũng như bảo mật hơn.

Link trên có hướng dẫn chi tiết, ở đây tôi chỉ trình bày các bước ngắn gọn:

  • Trỏ subdomain định dùng làm tên miền đăng nhập trang quản trị về IP của host (tôi dùng Cloudflare để trỏ, nhanh và tiện, nhưng bạn đừng bật đám mây vàng mà chỉ dùng DNS thôi. Cổng 8090 bị chặn không truy cập được nếu bạn bật đám mây vàng đó).
  • Đợi 1, 2 phút để DNS cập nhật rồi bạn vào Create web site để tạo trang.
  • Sau đó vào phần SSL > Hostname SSL rồi chọn subdomain vừa nãy.

Cuối cùng nhấn Issue SSL:

SSL cho CyberPanel

Thế là xong phần cài đặt. Giờ bạn thoải mái cài website lên trang rồi.

PS: Sau khi cài xong CyberPanel, bạn nào muốn biết cách dùng plugin LiteSpeed Cache thì vào bài viết này.


Rắc rối khi redirect từ http sang https

Bạn nào cài trang WordPress mà thấy liên kết http không chuyển hướng sang https thì làm như sau.

List website > Manage > kéo xuống để thấy Rewrite Rules rồi click vào đó, sau đấy thêm đoạn mã này vào cuối:

# Redirect http to https
rewriteCond %{HTTPS} !on
rewriteCond %{HTTP:X-Forwarded-Proto} !https
rewriteRule ^(.*)$ https://%{SERVER_NAME}%{REQUEST_URI} [R,L]

Kết quả tương tự nếu bạn đang dùng plugin LiteSpeed Cache và vào phần Toolbox > Edit .htaccess và paste đoạn mã trên vào. Bạn chọn một trong hai cách thôi nhé.

PS: nhiều người còn chia sẻ đoạn mã này nữa, nhưng tôi thấy nó không hoạt động:

RewriteCond %{SERVER_PORT} ^80$
RewriteRule .* https://%{SERVER_NAME}%{REQUEST_URI} [R=301,L]

Cách kiểm tra đã chuyển hướng thành công hay chưa, bạn vào trang sau: http://www.redirect-checker.org/index.php, rồi nhập tên miền dạng http vào xem nó có chuyển hướng về https không.

Như hình trên là đã thành công.


Phân tích ưu nhược điểm của combo này

Tôi từng giới thiệu một số hosting chất lượng, chẳng hạn như:

Còn combo trong bài này viết tắt là DCO (DigitalOcean + CyberPanel + OpenLiteSpeed).

Về hiệu suất, tốc độ thì GGL > DCO > VSC.

Về giá GGL đắt nhất, xong đến VSC, rẻ nhất là DCO, nhất là với các website tầm trung trở lên. GGL tốn thì chúng ta thấy ngay được, còn VSC tốn là ở phần phải bỏ tiền ra để dùng ServerPilot (5$/tháng), và mỗi app họ cũng thu phí 0,5$. Nếu bạn có nhiều website, hoặc/và dùng nhiều máy chủ, combo DCO có lợi thế hơn cả.

Tuy nhiên nhược điểm của combo sử dụng CyberPanel ở trên là chỉ có vài công ty VPS hỗ trợ kiểu cài đặt 1-click, ngoài DO còn có Linode, tức là không gian lựa chọn của bạn bớt phong phú đi. Nếu biết sử dụng command line, chịu khó máy mò bạn có thể cài CyberPanel trên bất cứ VPS nào.


Cách khởi động lại máy chủ DO khi nó bị quá tải

DigitalOcean có uptime rất tốt, nhưng đôi khi nó cũng bị quá tải gây gián đoạn truy cập. Nếu rơi vào trường hợp đó, cách khắc phục như sau:

  • Bạn đăng nhập vào DigitalOcean;
  • Tương ứng với Droplet đang bị quá tải bạn click vào icon … ở góc bên tay phải;
  • Bạn click vào Access console;
  • Màn hình đen hiện lên, bạn đăng nhập bằng tài khoản root;
  • Cuối cùng bạn gõ lệnh reboot, nhấn enter, để nó khởi động lại máy chủ gốc.

Xem thêm: hướng dẫn sử dụng CyberPanel căn bản.

Comments are closed.

Back to Top