Categories Note

Tổng hợp các dịch vụ WordPress yêu thích của Kiến càng (theme, plugin, hosting, CDN, v.v…). Liên tục cập nhật

dịch vụ WordPress yêu thích của Kiến càng

[Cập nhật mới nhất:25/07/2022]

Kiến càng = ServerPilot (control panel) + DigitalOcean (hosting) + BunnyCDN (image, CSS, JS CDN) + LiteSpeed cache (plugin cache) + QUIC cloud (HTML CDN) + GeneratePress (theme) + CloudFlare (DNS) + UpdraftPlus (plugin backup).

Bài viết này tôi để dạng liệt kê, và chỉ có một vài dòng giải thích ngắn gọn lý do.

Thực sự- thường chúng ta thích một dịch vụ gì đó, ngoài vấn đề chất lượng thì còn là vì chúng ta đã tìm hiểu đủ sâu và thành thạo sản phẩm/dịch vụ đấy.

Mời các bạn tham khảo.


1. Tên miền

Mặc dù giá tên miền thường rẻ hơn nhiều so với các chi phí khác ví dụ như hosting, marketing, nhưng nó lại đặc biệt quan trọng đối với website của bạn, chẳng khác gì cuốn sổ đỏ, hồng với nhà đất, chung cư cả. Mục tiêu ở đây là bạn cần phải chọn được nhà cung cấp dịch vụ thật tốt, đừng ham hố tên miền giá siêu rẻ, miễn phí, khuyến mại nếu bạn không biết rõ về đơn vị cung cấp. Mất tên miền là thảm họa lớn nhất khi bạn trực tuyến…

  • Google domains: giá tốt, giao diện tiếng Việt, đăng ký nhanh chóng, đăng nhập luôn qua gmail rất tiện. Nhiều đuôi tên miền thú vị, chất lượng không có gì để chê;
  • Namecheap: giá domain của Namecheap lúc nào cũng thuộc top rẻ nhất thế giới. Có thể bạn lần đầu nghe thấy, nhưng trên thế giới đây là một thương hiệu lớn về mảng tên miền.
  • Cloudflare: tôi chưa mua bao giờ, nhưng thấy giá ở đây rất tốt. Có lẽ rất hợp với những ai cần giá rẻ từ nhà cung cấp uy tín. Họ tuyên bố giá của mình chỉ ở mức bán buôn;
  • Godaddy: ông lớn trong mảng tên miền, giao diện tiếng Việt, dù giá hơi đắt một chút nhưng vẫn là dịch vụ yêu thích của tôi. Tuy nhiên quá trình đăng ký thường gợi ý thêm nhiều dịch vụ khác nên bạn cần để ý, nếu cần thì mới mua, không thì thôi;

PS: nếu bạn để ý, đa số các công ty cung cấp dịch vụ tên miền giá rẻ là những công ty mà dịch vụ tạo ra lợi nhuận chính không phải là tên miền, điển hình như Google domains và Cloudflare. Dịch vụ tên miền như một hình thức hỗ trợ cho khách hàng mà thôi.


2. Control panel

Đây là cái nghiêng về kỹ thuật nhất trong bài viết này, tuy vậy bạn cũng nên biết vì nó thuộc vấn đề cơ bản đảm bảo hoạt động cho hosting.

  • CyberPanel: đơn giản, miễn phí, dễ dùng & phối hợp hoàn hảo với plugin LiteSpeed cache. Đây là một trong các control panel nhiều người dùng khi host trang WordPress trên VPS. Bạn có thể tham khảo các video hướng dẫn sử dụng ở đây;
  • cPanel: nhiều tính năng, chất lượng rất cao, tiện dùng, thường được tích hợp sẵn trong các gói shared hosting giá rẻ, hoặc các gói hosting cao cấp. Dường như panel này thống trị thế giới của các nhà cung cấp hosting. Tuy nhiên những ai dùng VPS tự triển khai thường không dùng vì giá của nó rất cao;
  • Plesk: có tùy chọn gói miễn phí 3 tên miền mãi mãi trên các VPS phổ biến như Vultr và DigtalOcean. Ưu điểm dễ cài, dễ dùng và hoạt động ổn định. Gần đây nó là panel ưa thích của tôi.
  • ServerPilot: cách dùng siêu đơn giản, nhưng ẩn bên dưới các tính năng mạnh, chuyên nghiệp. Và với một kẻ thích sự tối giản trong vấn đề web như tôi thì đây là một panel tốt. Vấn đề duy nhất là chi phí. Nếu có 10 trang, bạn sẽ tốn khoảng 10$/tháng chỉ tính riêng chi cho control panel.

PS: control panel là nền tảng gốc của hosting, nó cực kỳ quan trọng. Nếu không thành thạo bạn nên mua các dịch vụ cài đặt sẵn panel cho mình. Còn nếu rành kỹ thuật hoặc chịu khó tìm hiểu có thể mua VPS sau đó tự cài đặt control panel theo ý thích, điều đó sẽ rẻ hơn và phù hợp với nhu cầu riêng của bạn hơn.


3. Hosting

Hosting là một trong các mảng có nhiều đơn vị cung cấp nhất hiện nay, và khi có quá nhiều, bạn dĩ nhiên bối rối trong việc chọn lựa, vì ai cũng nói mình phù hợp và tốt cho bạn! Danh sách dưới đây tôi cố gắng đề cập rút gọn các đơn vị hoạt động ổn định và có uy tín một thời gian dài.

  • Vultr: tốc độ cao, có máy chủ gần Việt Nam, uptime tốt, dễ dùng, giá thân thiện, tính tiền theo giờ;
  • DigitalOcean: ưu điểm tương tự như trên, nhược điểm: đôi khi người dùng Việt khó đăng ký, nhưng cũng chỉ là vấn đề thủ tục, bạn cứ gửi đủ ảnh chụp giấy tờ là được;
  • UpCloud: VPS mới nổi rất giống Vultr và DigitalOcean, nhưng giá rẻ hơn một chút.
  • ChemiCloud: tôi thích gói Reseller hosting của họ khi có nhiều website cần host. Máy chủ Linode, gần Việt Nam, control panel xịn sò là cPanel, máy chủ web LiteSpeed Enterprise, giá vừa phải;
  • BizCloud: có máy chủ ở Việt Nam, tốc độ tốt, giá ổn, nhiều hình thức thanh toán;
  • Closte: máy chủ Google Cloud, webserver LiteSpeed Enterprise, hoàn hảo cho tối ưu tốc độ & cần uptime cao, nhưng chỉ phù hợp trên website có điều kiện đầu tư khá;
  • Rocket.net: nếu bạn có website rất quan trọng, đầu tư tốt, cần tốc độ cao, lưu lượng truy cập lớn thì đây là hosting cũng rất ổn. Nó được tối ưu sẵn nhiều thứ cho tốc độ cũng như bảo mật, và hầu như việc bạn cần làm chỉ là nạp đủ tiền mà thôi! Rocket sử dụng gói cao cấp của Cloudflare: công ty tối ưu tốc độ web và bảo mật hàng đầu.
  • Namecheap shared hosting: dịch vụ shared hosting duy nhất có trong danh sách này. Các thông số RAM, CPU, I/O tốt hơn nhiều các công ty hosting phổ biến khác. Sử dụng máy chủ LiteSpeed Enterprise, do vậy để tối ưu bạn nên dùng plugin LiteSpeed cache kết hợp QUIC cloud và CDN chất lượng tốt, ví dụ như BunnyCDN. Rất hợp với những ai không có điều kiện đầu tư chi phí lớn. Nhược điểm: (1) cài đặt SSL phức tạp, (2) không chịu được DDoS dù ở mức không quá cao, (3) không có máy chủ ở châu Á / nhưng bạn có thể khắc phục vấn đề số (3) bằng QUIC cloud.
  • Verpex: một thử nghiệm mới gần đây của tôi. Ưu điểm: giá thân thiện, có nhiều địa điểm chọn máy chủ trong đó có Singapore, máy chủ LiteSpeed Enterprise.
  • Dreamhost: máy chủ trâu bò, uptime cao, nhược điểm không có máy chủ ở châu Á;
  • Các ứng cử viên tiềm năng khác: chưa thực sự sử dụng, nhưng dựa trên một số gợi ý mà tôi thấy tin tưởng được thì các công ty hosting sau có thể có chất lượng tốt trong tầm giá: CynderHost, AleForge, và RamNode. Điểm chung là giá thành vừa phải, sử dụng cPanel, và có khả năng hạn chế DDoS. Nhược điểm: không có máy chủ ở châu Á.
  • InstaWP: nó không phải là dịch vụ hosting để bạn cài website chính thức, mà là công cụ tiện lợi để kiểm thử plugin, theme hoặc bất cứ cái gì mà bạn muốn với WordPress. Ưu điểm có tốc độ cao, cài đặt nhanh, cài cắm plugin, theme thoải mái ngay cả với gói miễn phí.

PS: hosting là một trong những mảng có sự thay đổi chóng mặt nhất. Bạn có thể hiếm khi thay đổi nhà cung cấp tên miền, còn hosting như chuyển nhà trọ có thể sẽ là điều bạn thường xuyên làm.


4. Plugin

Nói đến WP là nói đến plugin. Như một mô hình lắp ghép bất tận, plugin đem đến cho bạn các chức năng vô cùng đa dạng để giải quyết hầu hết mọi nhu cầu mà không cần phải quá am hiểu về công nghệ.

  • Cache: LiteSpeed cache– nhiều tính năng cao cấp, chất lượng tốt, miễn phí. Bỏ thời gian tìm hiểu thì thấy cũng không khó dùng. PS: dạo gần đây tôi lại thích cả Cache Enabler, nó rất hợp trên các trang blog đơn giản, chẳng hạn như Kiến càng;
  • Backup: UpdraftPlus– dễ dùng, miễn phí, tích hợp dễ với Google Drive cũng miễn phí (15GB);
  • Chống bình luận spam: Akismet Anti-Spam– dễ dùng, hiệu quả, miễn phí;
  • SEO: Yoast SEO– chất lượng tốt dù là bản miễn phí, dễ dùng, có một số công cụ tích hợp thú vị;
  • Tăng tốc thêm: Perfmaters– là plugin trả phí chất lượng cao, có nhiều tính năng thú vị mà bạn không thể tìm ở các plugin cache khác, và do vậy là sự bổ sung hoàn hảo;
  • Tăng tốc khác: plugin JetPack, với hàng loạt tính năng như CDN miễn phí, lazy load ảnh, chèn plugin mạng xã hội nhỏ gọn, thông báo downtime thì đây là plugin giúp cải thiện tính khả dụng của trang trên tổng thể rất tốt. Điều quan trọng khác là hầu hết các tính năng của nó đều miễn phí.
  • Chuyển host: All in one WP Migration– tốc độ tốt, rất hiếm khi gặp lỗi, dễ dùng;
  • Tạo mục lục cho bài viết: LuckyWP Table of Contents- dễ dùng, nhiều tuỳ biến, miễn phí;
  • Chèn mã vào header, footer: Insert Headers and Footers- dễ dùng, nhẹ, miễn phí, rất thích hợp để chèn các mã kiểu như GA, Adsense, xác thực, v.v…
  • Chèn quảng cáo vào bài viết: Ad Inserter- chất lượng cực tốt dù miễn phí, nhiều tính năng chuyên sâu, không chỉ dùng để chèn quảng cáo, bạn có thể dùng nó để chèn bất cứ nội dung gì vào trang;
  • Bài viết liên quan: WordPress Related Posts- miễn phí, dễ dùng, tuỳ biến cao, giao diện ổn;
  • Thêm nút gọi điện: Call Now Button– miễn phí, dễ dùng;
  • Giảm kích cỡ ảnh quá to trên website: Imsanity -chất lượng tốt, miễn phí, dễ dùng;
  • Chuyển website WP động thành tĩnh hoàn toàn: Simply Static– đơn giản, dễ dùng, miễn phí.
  • Kiểm tra liên kết gãy: Broken Link Checker là plugin rất tốt để làm điều này, nó không chỉ kiểm tra liên kết gãy của post, page mà còn kiểm tra bất cứ liên kết gãy nào, bao gồm liên kết trỏ ra website bên người, các các liên kết ảnh trên trang. Nếu bạn có website phát triển trong một thời gian dài rồi, thì đây là lúc thử cài và kiểm tra xem trên trang tồn tại bao nhiêu liên kết gãy và sửa chúng.
  • Tạo các liên kết nội bộ: Link Whisper là lựa chọn sáng giá, các thống kê chi tiết bao gồm các liên kết nội bộ trỏ đi, trỏ đến và trỏ ra trang bên ngoài, kèm theo text link cụ thể.
  • Cải thiện chất lượng tìm kiếm: bằng plugin miễn phí của Algolia. Cài đặt ban đầu hơi phức tạp một chút, nhưng chỉ lúc đó thôi, xong rồi là bạn cứ thể dùng không cần phải lo nghĩ gì nữa.
  • Ẩn trang đăng nhập: Plugin WPS Hide Login rất dễ dùng. Ẩn trang đăng nhập không phải là biện pháp bảo mật gì quá ghê gớm (ẩn địa chỉ wp-login.php đi), nhưng nó dự phòng được trường hợp bạn lộ mật khẩu thì kẻ muốn xâm nhập cũng không biết đường link mà đăng nhập!

PS: đừng ham plugin null / lậu, nếu không có ngày website của bạn sẽ phải trả giá đắt.


5. Theme

Trang phục của website, lựa chọn đúng giao diện là một trong các vấn đề quan trọng hàng đầu.

  • GeneratePress: dễ dùng, giá tốt, tốc độ cao, giao diện sáng sủa, nhiều tài liệu hướng dẫn;
  • Astra: bản miễn phí của nó rất hợp với những ai chỉ cần blog đơn giản. Đây là giao diện được tối ưu cho vấn đề tốc độ;
  • Kadence: không nổi lắm ở Việt Nam, nhưng trên thế giới đây là theme khá nổi bật. Ưu điểm là dễ dùng, giao diện đẹp, phong phú. Hợp cả làm trang thương mại điện tử lẫn blog.
  • Nevothemes: dễ dùng, nhiều tùy chỉnh, phiên bản miễn phí có các tính năng thực sự tốt;

PS: tương tự plugin, hãy bỏ tiền ra mua theme ưng ý sau khi đã tham khảo kỹ, bạn có thể sử dụng nó rất dài lâu hoặc trên rất nhiều website (tùy thỏa thuận người dùng). Mạnh dạn lên, đừng mua hàng null!


6. CDN

Ngày nay CDN không còn xa lạ với ngay cả các blogger tầm trung có vài trăm đến một ngàn view/ngày. Cải tiến công nghệ và giá cả đã giúp CDN dễ dàng tiếp cận với bất kỳ ai và đem lại các cải thiện về tốc độ, hiệu suất đáng kể.

  • BunnyCDN: giá thành thuộc nhóm rẻ, dễ dùng, tốc độ tốt, nhiều tính năng chuyên sâu [cập nhật: họ mới mở PoP mới ở Sài Gòn];
  • QUIC cloud: giá rẻ, phối hợp hoàn hảo với LiteSpeed cache, có tính năng cache HTML ở máy chủ biên;
  • BizFly: có máy chủ ở Việt Nam, dễ dùng, giá không rẻ nhưng nhìn chung là ổn, thanh toán được qua thẻ VISA.
  • Cloudflare: gói miễn phí có chất lượng cao, dễ dùng, có tính năng cache HTML ở máy chủ biên khi nâng cấp lên gói trả phí (Automatic Platform Optimization);
  • Jetpack (plugin): CDN miễn phí chất lượng khá, ổn định nhiều năm, đã khắc phục được hiện tượng ảnh suy giảm chất lượng nghiêm trọng trước đây, có nhiều tính năng cơ bản cùng tích hợp vào một plugin duy nhất;

PS: CDN có thể là thứ phù phiếm nếu bạn đã có hosting gốc gần người dùng và đủ khỏe. Nhưng nếu hosting yếu hoặc/và xa người dùng, CDN là cái không thể thiếu.


7. DNS

  • Cloudflare: chất lượng rất cao, cập nhật nhanh, miễn phí, không giới hạn số lượng tên miền, không giới hạn bản ghi, dễ dùng;

8. Các công cụ khác

  • Canva: chỉnh sửa ảnh miễn phí, giúp tạo ra nhiều banner đẹp mà không cần tốn công hoặc/và phải cài phần mềm phức tạp.
  • DNS checker: kiểm tra thông tin DNS ở các vị trí khác nhau trên thế giới, tôi rất hay dùng cái này khi chuyển hosting.
  • Redirect checker: kiểm tra chuyển hướng để đảm bảo các yêu cầu như chuyển hướng từ có-www sang không-www (hoặc ngược lại) đã chính xác chưa, hay từ http sang https. Kiểm tra bằng máy tính của bạn thì có thể không chính xác vì vẫn có cache.
  • Pexels vs Flickr: tìm ảnh miễn phí bản quyền để làm hình minh họa.
  • SnagIt: phần mềm chụp mành hình ưa thích của tôi. Hoạt động rất ổn định, dễ dùng.
  • OBS studio: phần mềm quay màn hình, nó miễn phí, hoạt động ổn định, nhiều video hướng dẫn tôi dùng phần mềm này.
  • Wondershare Filmora: phần mềm biên tập video, dễ dùng, chạy nhanh và ổn định hơn so với trước đây khá nhiều.
  • Audacity: phần mềm biên tập âm thanh.
  • Malwarebytes: phần mềm bảo mật cho máy tính.

Comments are closed.

Back to Top