Categories Chuyển host

Mấy công cụ hỗ trợ thêm cho việc chuyển hosting website WordPress (ngoài tool chính)

Công cụ hỗ trợ chuyển hosting

Khi thực hiện việc chuyển hosting, chẳng hạn cho website WordPress, chúng ta sẽ sử dụng một trong số plugin chuyên biệt cho nhiệm vụ này, ví dụ như: All in one WP Migration, hoặc Migrate Guru, UpdraftPlus, Duplicator, hay câu lệnh SSH. Trong trường hợp bí quá, bạn cũng có thể chuyển hosting theo cách thủ công.

Tuy nhiên dù plugin (hoặc câu lệnh) chuyển host là nhân vật chính thì chỉ riêng bản thân nó sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra. Trong bài viết này, tôi sẽ nói nhanh về các công cụ hỗ trợ khác.

Xem thêm: các rắc rối hay gặp khi chuyển hosting cho WordPress.

Bạn có thể xem video nếu muốn:


A. Trỏ tên miền về IP của hosting mới nhanh hơn bằng dịch vụ của bên thứ ba

Công cụ DNS mặc định của nhà cung cấp tên miền thường cũng đủ dùng trong các trường hợp thông thường. Nhưng khi chuyển hosting, chúng ta cần cập nhật các bản ghi DNS nhanh nhất có thể (mục đích là để việc chuyển diễn ra nhanh hơn, bạn đỡ mất thời gian, và website cũng không bị gián đoạn lâu). Vì vậy, bạn nên chuyển qua dùng Cloudflare DNS cho nhiệm vụ này.

Tốc độ cập nhật bản ghi DNS của Cloudflare được xếp vào hàng nhanh nhất thế giới, tính năng này hoàn toàn miễn phí, dễ dùng.


B. Kiểm tra tên miền đã cập nhật IP của hosting mới hay chưa?

Cloudflare thường không mất quá 1 phút để thông báo địa chỉ IP mới cho tên miền ra các máy chủ DNS toàn cầu chính yếu. Tuy nhiên, trước khi bạn thực hiện các thao tác khác (thí dụ cài chứng chỉ SSL cho tên miền trên hosting mới), việc kiểm tra xem IP mới thực sự đã cập nhật hay chưa cũng cần thiết.

Bạn có thể dùng DNS checker, công cụ trực tuyến này sẽ giúp bạn biết được điều đó.

Ngoài ra, nếu kiểm tra IP của hosting mới đã được cập nhật cho tên miền, mà khi bạn truy cập vào website nó vẫn trỏ về hosting cũ thì có thể do máy tính của bạn vẫn cache thông tin DNS cũ của tên miền. Cách khắc phục (trên máy Windows) là bạn vào cmd và gõ lệnh ipconfig /flushdns


C. Kiểm tra chuyển hướng của website

Các chuyển hướng trên website như từ có-www về không-www, hoặc ngược lại, và từ http về https rất quan trọng với website.

Trước và đặc biệt là sau khi chuyển hosting thành công, bạn cần kiểm tra lại các cài đặt này xem đã chính xác hay chưa. Nếu chưa, sẽ thường cần chỉnh lại cho đúng thông qua control panel (ví dụ trên cPanel, CyberPanel, vân vân).

Công cụ online để kiểm tra chuyển hướng là Redirect checker.


D. Kiểm tra tốc độ mạng internet tại nhà

Dù có các hình thức chuyển hosting thông qua cloud hoặc thực hiện giao tiếp trực tiếp giữa hosting cũ và hosting mới, thì việc chuyển hosting thông qua việc tải toàn bộ dữ liệu website từ hosting cũ về máy tính cá nhân, rồi từ đó up ngược lên hosting mới vẫn là cách thức vô cùng phổ biến.

Vì thế tốc độ internet tại nhà rất quan trọng. Nhìn chung tốc độ dưới 1MB/s thì không nên thực hiện, lý tưởng là trên 10MB/s.

Công cụ để kiểm tra tốc độ internet tại nhà là Fast.com (của Netflix) hoặc Speedtest.

Nhiều khi kết quả rất khác nhau, vì trong mùa đứt cáp thì tốc độ internet trong nước vẫn có thể đạt hơn 10MB/s, nhưng truy cập ra quốc tế có thể không đạt được hơn 0,5MB/s.

Dĩ nhiên nếu hosting của bạn nằm ngoài Việt Nam thì tốc độ internet đi quốc tế quan trọng hơn.

PS: đôi khi việc tốc độ internet tại nhà chậm là do vấn đề cục bộ tại nhà của bạn, chứ mạng internet thì vẫn bình thường. Cách đơn giản nhất là tắt đi bật lại Modern xem tốc độ có trở lại bình thường hay không.


E. Nắm rõ control panel cũ, và cách dùng cơ bản của control panel mới

Việc chuyển host thường xuyên cần đến việc thao tác với control panel quản trị hosting. Chẳng hạn như là các thao tác tạo website mới, tạo liên kết https, truy cập vào file thư mục, database, các thao tác nén, giải nén và tải xuống dữ liệu, vân vân.

Do vậy việc nắm cách dùng cơ bản, đặc biệt là trên control panel mới là điều rất quan trọng để mọi chuyện diễn ra êm đẹp.


F. Cách dùng phần mềm FTP

Ví dụ Filezilla, phần mềm FTP dùng để bạn thực hiện giao tiếp với các file trên hosting, chẳng hạn như tải lên, tải xuống, chỉnh sửa file.

Cách dùng FTP cũng rất đơn giản, và có nhiều phần mềm cho mục đích này. Filezilla chỉ là một trong các công cụ phổ biến.


G. Backup website

Mọi trường hợp đều có thể xảy ra, vì thế trước khi bạn chuyển hosting, bạn cần sao lưu dữ liệu toàn bộ website và cất ở một vài nơi an toàn.

Có nhiều công cụ hỗ trợ backup cho WordPress, một trong các plugin mà tôi ưa thích nhất là UpdraftPlus (plugin này vừa backup, vừa dùng để chuyển host rất tốt).

Bạn nên lưu một bản backup trên cloud, và một bản trên máy tính cá nhân.


H. Chỉnh sửa cơ sở dữ liệu

Nếu bạn cài WordPress trắng trên trang trước khi tạo liên kết bảo mật cho nó thì có thể sau khi bạn khôi phục website, các liên kết đến ảnh, css, js (và nói chung là các file tĩnh) có thể vẫn là http, cái này có khả năng gây lỗi hiển thị.

Lúc này bạn có thể chỉnh sửa bằng cách sử dụng plugin như Better Search Replace hoặc Search & Replace để thực hiện nhiệm vụ.

Back to Top