Categories Cache CDN Cloudflare Nén ảnh

Hướng dẫn sử dụng Cloudflare (bản Pro) để tăng tốc website toàn diện

Hướng dẫn sử dụng CloudFlare

Tăng tốc và duy trì sự ổn định liên tục của website là nhiệm vụ vô cùng quan trọng với người quản trị web. Nếu bạn chọn được hosting hết sức ưng ý rồi (ví dụ Closte) thì việc sử dụng Cloudflare có thể không cần thiết, tuy nhiên nếu bạn gặp một trong các vấn đề sau thì hãy nên cân nhắc dùng nó.

  • Website của bạn tốc độ chậm do hosting ở xa người dùng (ví dụ người dùng web ở Việt Nam, nhưng host thuê bên Hoa Kỳ, và bạn nhận thấy tốc độ web không được tốt);
  • Trang web của bạn có lượng truy cập lớn thường làm quá tải hosting nhưng bạn lại chưa có điều kiện nâng cấp để xử lý;
  • Trang web của bạn bị tấn công, thí dụ như DDoS (hàng ngàn, thậm chí chục ngàn truy cập ảo đồng thời vào website khiến nó quá tải);
  • Trang web có tốc độ truy cập thấp do sự cố không thể khắc phục ngay được, ví dụ như đứt cáp quang biển, một hiện tượng mà chúng ta gặp không ít lần trong những năm qua.

Vậy thì so với chỉ dùng hosting thông thường, việc dùng thêm Cloudflare có lợi gì?

  • Cloudflare sẽ giúp bạn tăng tốc website, vì bản thân nó về cơ bản là một dịch vụ CDN (mạng máy chủ phân tán khắp toàn cầu), và Cloudflare sẽ điều tiết truy cập về máy chủ gần nhất với người dùng (xem giới thiệu của Cloudflare về tính năng CDN ở đây). Tin mừng cho chúng ta là họ mới bổ sung 2 trung tâm dữ liệu ở Hà Nội và Sài Gòn, do vậy người dùng từ Việt Nam sẽ có tốc độ truy cập tốt hơn. Tin sốc: tôi vừa mới biết được là dù đặt máy chủ ở Việt Nam, hầu hết người dùng ở đây vẫn phải lấy dữ liệu từ bên ngoài, thông tin chi tiết bạn tham khảo ở bài này– cái này ảnh hưởng đến người dùng miễn phí hơn là trả phí;
  • Máy chủ của Cloudflare rất lớn, điều đó giúp họ duy trì được cả dịch vụ miễn phí, lẫn dịch vụ có phí có giá tầm trung là 20 USD/tháng cho gói Pro ngay cả với website có lượng truy cập cao;
  • Máy chủ của Cloudflare đủ mạnh và bảo mật để chống được các cuộc tấn công và DDoS vừa phải;
  • Cloudflare tích hợp nhiều tính năng tăng tốc dễ dùng vào dịch vụ của nó, điều đó giúp cho một người bình thường không cần quá am hiểu về công nghệ cũng có thể tự tăng tốc được trang web của mình (rất quan trọng vì nhiều khi chúng ta đủ tiền mua dịch vụ nhưng lại không có kỹ năng hoặc người nào khác đáng tin cậy giúp thiết lập triển khai dịch vụ).

Một điểm đáng chú ý nữa: Cloudflare không bị phụ thuộc vào hệ quản trị nội dung bạn cài trên hosting là gì, do vậy dù bạn có dùng WordPress, Joomla, Drupal hay tự code lấy thì nó vẫn giúp bạn tăng tốc được. Xem các dịch vụ tối ưu hóa web của Cloudflare được nói cụ thể hơn ở đây.

Lưu ý nhỏ: Để áp dụng đầy đủ nhất hướng dẫn sử dụng Cloudflare trong bài viết này bạn cần có thẻ VISA hoặc tài khoản Paypal để mua dịch vụ của họ. Nếu bạn định dùng gói miễn phí thì không cần.

Bảng tóm tắt:

Đặc điểm so sánh Hosting đơn thuần Hosting + Cloudflare
CDN tăng tốc độ truy cập Không
Chống DDOS Hầu như không
Bảo mật Trung bình đến Khá Tốt
Tối ưu hóa hình ảnh, giảm dung lượng Phải cài plugin
Tối ưu hóa HTML/CSS/JS giảm dung lượng Phải cài plugin
Tạo cache giúp tăng tốc độ duyệt web Phải cài plugin
Luôn luôn trực tuyến (rất quan trọng với trang thương mại điện tử) 99,9% Gần như tuyệt đối 100%
Định tuyến thông minh, giảm lỗi kết nối (rất quan trọng với trang thương mại điện tử) Không
Khả năng chịu được lưu lượng truy cập lớn đột biến (ví dụ trong ngày khuyến mại, lượng truy cập có thể gấp 10 cho đến 100 ngày thường) Trung bình Tốt

Lưu ý: Dù Cloudflare rất tuyệt vời, nó vẫn không phải là dịch vụ hosting, do vậy bạn không thể ngừng thuê hosting rồi chuyển hết web sang Cloudflare. Để website hoạt động tốt bạn vẫn phải thuê hosting kèm theo Cloudflare, và Cloudflare sẽ giúp khắc phục những hạn chế hosting bạn đang dùng.


Vài con số về Cloudflare

Để bạn có thể hình dung về độ lớn của Cloudflare dưới đây là một số thống kê:

  • Lượng traffic mà Cloudflare phục vụ lớn hơn cả Twitter, Amazon, Apple, Instagram, Bing, & Wikipedia kết hợp lại;
  • Họ phục vụ hơn 200 triệu người dùng truy cập web;
  • Mỗi ngày có hơn 10 ngàn khách hàng mới đăng ký dịch vụ;
  • Có hơn 165 trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới ở 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam và nhiều quốc gia lân cận (HongKong, Trung Quốc, Nhật, Singapore, vân vân);
  • Hợp tác với rất nhiều công ty hosting như Dreamhost, Bluehost, Siteground, vân vân.

Cộng đồng công nghệ cũng đánh giá Cloudflare rất cao, chẳng hạn trang đánh giá dịch vụ CDN của G2Crowd xếp Cloudflare vào nhóm dẫn đầu về thị phần cũng như sự hài lòng của khách hàng:

Đánh giá sự hài lòng của khách hàng với CloudFlare
  • Trục hoành (nằm ngang) phần Satisfaction là mức độ hài lòng dựa trên đánh giá của user, càng ở bên phải thì càng tốt.
  • Trục tung (thẳng đứng) phần Market Presence là mức độ hiện diện trên thị trường (dạng thị phần), càng ở trên cao thì thị phần càng lớn.

So sánh gói Free và Pro của Cloudflare

Đặc điểm so sánh Free Pro (20 USD/tháng)
Định tuyến thông minh Argo (tùy chọn, tức là nếu muốn dùng Cloudflare hoàn toàn miễn phí bạn có thể bỏ cái này) Phí cố định 5 USD/tháng, 1GB đầu miễn phí, những dữ liệu tiếp có giá 0,1 USD/GB Phí cố định 5 USD/tháng, 1GB đầu miễn phí, những dữ liệu tiếp có giá 0,1 USD/GB
CDN
Tối ưu hóa tải JS
Tối ưu hóa hình ảnh (chuyển sang WebP) Không
Chống DDOS
SSL Hầu hết các trình duyệt hiện đại Tất cả các trình duyệt
Tường lửa Không
Online ngay cả khi máy chủ gốc có vấn đề
Tối ưu hóa hình ảnh cho kết nối internet chậm trên di động (Mirage Image Optimization) Không

Về cơ bản gói Pro hơn gói miễn phí ở chức năng tối ưu hóa hình ảnh, khả năng tăng cường bảo mật. Các chức năng bổ sung này có thể không nhiều với cái giá 20 USD phải bỏ thêm, nhưng tôi vẫn khuyên là nếu các bạn làm việc với website quan trọng thì vẫn nên dùng bản có phí, vì dù gì thì gì, theo tôi phỏng đoán, các nền tảng dành cho gói có phí vẫn tốt hơn.


SEO & Cloudflare

Cloudflare giúp bạn tăng tốc độ tải trang web và duy trì sự ổn định liên tục của website, do vậy thông thường nó sẽ cải thiện SEO. Từng có lời đồn đoán rằng việc sử dụng Cloudflare có thể ảnh hưởng tiêu cực đến SEO, sự thực thì đã từng có trường hợp như vậy được ghi nhận, tuy nhiên đó chỉ là trường hợp hiếm hoi, còn hầu hết không bị ảnh hưởng gì, nếu không muốn nói là có tác động tích cực đến SEO. Và đấy là lý do tôi hiện đang dùng Cloudflare cho một số website.


Hướng dẫn cài đặt

  1. Bạn vào trang chủ của Cloudflare tiến hành đăng ký tạo tài khoản.
  2. Nhấn vào Add a site để thêm trang web của bạn.thêm trang web vào CloudFlare
  3. Nhập tên trang web của bạn vào, nhớ có cả giao thức (http hoặc https tùy vào trang của bạn). Sau đó nhấn Add Sitenhập trang web của bạn vào
  4. Bạn nhấn Next, đoạn tiếp sau bạn sẽ chọn dịch vụ muốn dùngthay DNS
  5. Bạn chọn dịch vụ tương ứng, trong ví dụ này tôi dùng gói Pro, đây là gói có giá thành vừa phải (20 USD/tháng) và dĩ nhiên có nhiều tính năng mạnh mẽ hơn gói miễn phíchọn dịch vụ CloudFlare tương ứng
  6. Xác nhận dịch vụ muốn mua
  7. Sau đó bạn sẽ thấy một thông báo có tính kỹ thuật như thế này, nhưng bạn đừng lo, và cũng không cần quan tâm quá, chỉ việc kéo xuống dưới và nhấn Continueđịa chỉ IP của website do CloudFlare quản lý
  8. Tiếp nữa Cloudflare thông báo bạn cần phải chuyển NameServer cũ sang NameServer của Cloudflare. Cái bên tay trái là nameserver cũ của tôi (của bạn dĩ nhiên sẽ khác), còn cái bên phải là nameserver mới tôi cần chuyển sang. Nhấn vào copy để sao chép nó.thay đổi nameserver cũ sang nameserver của CloudFlare

Phần thay đổi nameserver có lẽ là phần phức tạp nhất với những người không chuyên, nhưng thực ra nó cũng không khó như bạn nghĩ đâu. Để thay đổi được nameserver bạn cần vào khu vực quản trị tên miền. Vì trang web của tôi dùng Godaddy, tôi sẽ sử dụng nó làm ví dụ (các nhà đăng ký tên miền khác cũng gần tương tự).

Trước hết bạn đăng nhập vào trang quản trị tên miền của mình, rồi sau đó vào phần nameserver, đây là phần cho trang kiencang.net:

namesever cũ

Sau đó copy các nameserver mới để thay thế cái cũ, trong ví dụ trên là hugh.ns.cloudflare.com và jessica.ns.cloudflare.com

thay bằng nameserver mới

Nếu nhanh khoảng 5 phút, chậm thì vài tiếng, nameserver sẽ được cập nhật và bạn sẽ thấy Cloudflare thông báo là đã cập nhật thành công.

cập nhật DNS cho CloudFlare thành công

Ở trên chỉ là các bước cài đặt cơ bản. Để tối ưu hơn bạn cần tùy chỉnh các tính năng bên trong của Cloudflare.


Tùy chỉnh sâu các tính năng

Các tính năng chuyên sâu của Cloudflare nằm ở phần trên đầu của trang:

các tính năng chuyên sâu của CloudFlare

Tôi sẽ đi thẳng vào các mục trọng tâm.

Speed

Đây là phần dùng để tăng tốc độ của web, bạn chú ý đến các lựa chọn sau:

  • Auto minify: dùng để nén các dữ liệu HTML, CSS và JS, lời khuyên của tôi là nên tick chọn. Bình thường nếu dùng WordPress, tôi hay sử dụng plugin Autoptimize hoặc plugin cache để thực hiện tính năng nàynén HTML CSS và JS
  • Polish: dùng để nén ảnh, các website ít ảnh có thể không cần, nhưng các website có kha khá ảnh thì rất nên, nó sẽ tiết kiệm tương đối lớn dung lượng ảnh, thông qua định dạng ảnh mới là WebP và khả năng tối ưu rất tốt độ rộng theo kích thước thiết bị. Bình thường nếu dùng WordPress, bạn có thể sử dụng plugin EWWW để chuyển ảnh PNG, JPG sang WebP, tuy nhiên thao tác cũng không quá đơn giản, với nhiều đoạn mã lằng nhằng. Và đây chính là một lợi điểm của Cloudflare, nó giúp bạn có được tính năng tương đương thông qua chỉ một thao tác nút bấm. Lời khuyên của tôi ở phần này là bạn nên chọn Lossless (nén không mất chất lượng) để ảnh nén vẫn giữ nguyên được chất lượng cao nhất có thểnén ảnh định dạng webp
  • Các lựa chọn khác. Brotli là tính năng giúp bạn tăng tốc cho website sử dụng https, lời khuyên là bạn nên bật (để On như hình). Mirage là tính năng giúp bạn tăng tốc độ trên mobile có kết nối internet chậm, bạn cũng nên để On. Rocket Loader dùng để tăng tốc độ tải Javascript, bạn cũng nên chọn nốtcác lựa chọn tăng tốc liên hợp

Caching

Đây là phần dùng để tùy chỉnh những thứ liên quan đến bộ nhớ đệm (cache). Vậy bộ nhớ đệm là gì? Đây là cách Cloudflare (cũng như nhiều công cụ tăng tốc khác) dùng để tăng tốc tải website. Cloudflare tạo ra một bản sao lưu trang web của bạn trên máy chủ của nó, bản sao lưu này thường là nhanh hơn bản gốc đặt tại hosting, tuy nhiên khi bạn cập nhật giao diện thì có khả năng bản sao lưu vẫn chưa cập nhật, đây là lúc bạn cần vào phần này để điều chỉnh để mọi thứ được đồng bộ với nhau. Điều thú vị là Cloudflare không tạo cache cho text, do vậy nếu bạn chỉ cập nhật văn bản, đăng bài viết mới thì không cần xóa cache cũ.

  • Nếu bạn muốn xóa bộ nhớ đệm thì vào phần Purge Cache, để xóa một trang cụ thể nào đó bạn mới cập nhật thì nhấn vào Custom Purge và paste vào đấy đường link cụ thể, còn nếu muốn xóa cache của toàn bộ trang thì nhấn vào Purge Everythingxóa cache
  • Caching level bạn nên để như mặc định không nên can thiệp (Standard);
  • Browser Cache Expiration là thời gian dành cho việc thiết lập bộ nhớ cache cho trình duyệt. Mặc định là 4 tiếng, bạn có thể để lên 1 – 365 ngày nếu muốn. Để 30 ngày có lẽ là lựa chọn phù hợp
  • Always Online™ bạn nên để On, đây là tính năng giúp website của bạn được duy trì ngay cả khi máy chủ gốc gặp vấn đề. Một tính năng rất đáng đồng tiền bát gạo.

Argo

Argo là tính năng có phí bổ sung (tính thêm tiền ngoài phí hàng tháng của gói Pro là 20 USD). Có tác dụng giúp giảm độ trễ Internet (35% tính trung bình) và lỗi kết nối 27% (tính trung bình).

Phí hàng tháng cho riêng tính năng này là 5 USD/tháng, cộng với 0,1 USD/1 Gigabyte dữ liệu (có thể khiến bạn tốn thêm khoảng 5 – 20 USD nữa hoặc hơn kém tùy theo lưu lượng truy cập). Nói chung tôi chỉ khuyên dùng tính năng Argo cho website rất quan trọng, thí dụ các trang thương mại điện tử.

tính năng tăng tốc qua bộ định tuyến

Ví dụ về thời gian tiết kiệm được khi sử dụng Argo:

Sử dụng Argo của CloudFlare

Khoảng gần 0,3 giây, thực ra con số này không nhiều, nhưng khi internet có vấn đề (như đứt cáp) thì giá trị này có thể lớn hơn, ngoài ra ý nghĩa quan trọng hơn của Argo nằm ở việc giảm đến 27% lỗi kết nối. Điều này có nhiều ý nghĩa với website mà mỗi lượt truy cập có khả năng chuyển thành khách hàng giá trị cao.

Analytics

Đây là tab dùng để thống kê thông tin liên quan đến các lượt truy cập dữ liệu.

Ở phần web traffic là các thống kê Requests (lượt truy vấn) / Bandwith (lưu lượng truy cập) / Unique Vistors (người dùng truy cập duy nhất).

Ví dụ:

lưu lượng truy cập

Ở phần này cho thấy:

  • Tổng lưu lượng truy cập (bandwidth) trong 24 giờ qua trên website là 1,35 GB;
  • Số lưu lượng được truy cập thông qua Cloudflare là 1,09 GB;
  • Số lưu lượng truy cập đến máy chủ gốc (hosting) của bạn là 0,26 GB.

Như vậy Cloudflare không chỉ giúp tăng tốc, nó còn giúp giảm tải cho hosting của bạn rất nhiều.

Tiếp theo là Web Traffic Requests by Country/Lưu lượng truy cập theo quốc gia. Ở đây bạn sẽ thấy thống kê người dùng từ các quốc gia nào đang vào trang web. Chủ yếu có ý nghĩa với các trang có tính quốc tế, còn phần đa, như trang của tôi, người dùng chủ yếu ở Việt Nam:

truy cập theo quốc gia

Thống kê này bao gồm cả bọ tìm kiếm (crawler / ví dụ bọ của Google) và các cuộc tấn công (threat) nếu có, nên bạn có thể thấy các nước khác ngoài Việt Nam, và con số ở trên là theo lượt truy vấn dữ liệu, nó khác với người ghé thăm. Trang của tôi chỉ có tầm 2000 lượt xem trên ngày mà thôi…

Hướng dẫn sử dụng Cloudflare kết thúc ở đây. Xin chào & hẹn gặp lại các bạn.

Các bài viết khác tìm hiểu về Cloudflare:

Mời bàn xem thêm bài đánh giá tổng hợp các dịch vụ CDN chất lượng cho WordPress.

Comments are closed.

Back to Top