Categories CDN

Nhược điểm của dịch vụ CDN là gì?

nhược điểm của CDN

Mặc dù CDN có rất nhiều ưu điểm, nhưng nếu bạn dùng nó theo kiểu phong trào (“chúng nó dùng thì mình cũng phải dùng thôi!”), bạn có nguy cơ gây tổn hại cho website, và trong bài viết này tôi sẽ chỉ ra các nhược điểm chủ yếu khi sử dụng CDN, giúp bạn tránh tình huống tiền mất, tật mang!


1. Không cải thiện gì đáng kể nếu hosting của bạn ở ngay gần người dùng và đủ khỏe mạnh

Giả dụ người truy cập website của bạn 95% đến từ Việt Nam và bạn đã thuê hosting chất lượng tốt ở ngay Hà Nội hoặc Sài Gòn rồi thì việc dùng CDN sẽ không làm bạn cải thiện tốc độ đáng kể, nhất là khi lưu lượng của bạn chỉ ở mức trung bình (mốc tốt là 3k view/ngày).

Thế tại sao các website như Vnexpress, Tiki, Shopee vẫn sử dụng CDN dù họ có hosting rất khỏe đặt ngay trong nước?

Vì đây là các trang có lưu lượng truy cập cực lớn, và giá trị thương mại trên một người dùng là cao hơn đáng kể so với các website thông thường. Đầu tư CDN với họ đơn giản là bài toán kinh tế, họ sẽ nhận được lợi ích cao hơn nhiều khi dùng CDN.


2. Làm chậm website trong một số tình huống

Nghe có vẻ lạ đúng không ạ, vì mục đích chính của CDN là tăng tốc website, thế tại sao nó vẫn có nguy cơ chậm.

Lý do chủ yếu có liên quan đến vấn đề số 1:

  • Nhiều dịch vụ CDN (quốc tế) không có PoP ở Việt Nam, đặc biệt là CDN miễn phí, do vậy dù hosting gốc của bạn đã đặt trong nước, thì khi dùng CDN nội dung tĩnh lại phải tải từ nước ngoài. Thường thì cũng không chậm đi nhiều, nhưng nếu tình trạng đứt cáp quang kéo dài vs nghiêm trọng thì nó sẽ thành điểm thắt cổ chai phá hoại tốc độ trang của bạn.
  • Lý do phụ khác là có nhiều dịch vụ CDN cả miễn phí và trả phí có chất lượng không cao. Triển khai hạ tầng CDN rất tốn kém chi phí vì đòi hỏi công nghệ cao và quy mô lớn, nếu bạn chọn nhầm dịch vụ CDN có chất lượng trung bình hay thậm chí là thấp, tốc độ trang của bạn sẽ kém đi.
  • Lượt truy cập đầu bị chậm: dù bạn có dùng CDN chất lượng cao thế nào đi chăng nữa, lượt truy cập đầu cũng sẽ chậm hơn so với không dùng vì CDN sẽ phải kết nối với hosting gốc trước khi tải về được tài nguyên. Được cái vấn đề này khắc phục được nếu bạn rành về kỹ thuật (ví dụ áp dụng preload cache) và chọn được CDN tốt (có tỷ lệ cache hit ratio rất cao nhờ công nghệ tiến bộ).

3. Tăng nguy cơ bị downtime

Khi website của bạn dựa vào càng nhiều nền tảng, nguy cơ downtime của nó càng tăng.

Các CDN chất lượng nhất hiện nay thì uptime rất cao, có thể lên đến 100% trong hầu hết các tháng vs 99.99% trong thời gian thống kê cả năm.

Tuy nhiên nếu bạn chọn phải dịch vụ CDN chất lượng tệ thông số trên sẽ không tốt được như thế.


4. Tăng chi phí

Mặc dù có một số dịch vụ CDN miễn phí chất lượng khá, ví dụ như JetPack thì tất nhiên các dịch vụ CDN chất lượng nhất đều là dạng có phí cả. Và nhiều dịch vụ CDN có phí không hề rẻ, ví dụ như KeyCDN, Cloudfront, Fastly.

Chi phí đội thêm có thể lên đến 5 – 10$ cho một website có lưu lượng cỡ 30 – 50 ngàn view/tháng, đây là khoản tiền không nhỏ với các chủ trang eo hẹp đầu tư (có tôi nhé!).


5. Có thể ảnh hưởng tiêu cực đến SEO

CDN nếu triển khai đúng có tác dụng hỗ trợ cho SEO. Các dịch vụ CDN chất lượng đều có thiết lập mặc định tốt cho SEO, ví dụ liên quan đến thẻ canonical header (tránh trùng lặp nội dung), robots.txt (để bọ tìm kiếm quét nội dung CDN). Nhưng cũng có một vài dịch vụ CDN chất lượng thấp hoặc các gói miễn phí bỏ qua vấn đề này và ảnh hưởng tệ đến SEO của bạn.


6. Tốn thời gian tìm hiểu các chi tiết kỹ thuật

Ở thời điểm hiện tại, đa số các dịch vụ CDN có chất lượng đều có các thiết lập mặc định rất ổn để người dùng đỡ mất công triển khai các kỹ thuật quá sức với họ, dù vậy vẫn tồn tại những CDN mà việc hỗ trợ này không được tốt, điển hình như CDNSun bạn sẽ phải rất vất vả để cấu hình thì mới có các thiết lập phù hợp.


7. Kết luận

Dù CDN nằm trong nhóm các kỹ thuật tốt nhất cần triển khai để tối ưu tốc độ, hiệu suất website thì nó cũng không ngoại lệ với câu châm ngôn “không có cái gì phù hợp với tất cả mọi người”. Do vậy mấu chốt ở đây là bạn phải hiểu rõ website của mình và đủ nhạy bén để chọn lựa dịch vụ phù hợp…

Xin chào vs hẹn gặp lại bạn trong những bài viết khác.

Back to Top