Categories CDN

Vài nhận xét sơ lược về CDN miễn phí của Cloudinary

Cập nhật 1: thử nghiệm cho thấy sau khi cài Cloudinary có thể làm xuất hiện lỗi hiển thị ảnh trên những bài viết đã cũ. Tôi cũng chưa rõ nguyên nhân cụ thể. Nên khuyến cáo các bạn backup trước website khi cài thử nghiệm.

Cập nhật 2: dường như lỗi ảnh xuất phát từ các ảnh ở trong thẻ ul li, các ảnh được đưa vào theo cách thông thường thì không bị sao cả.


Cloudinary không phải là CDN phổ thông có tiếng nhưng về mảng CDN chuyên cho ảnh nó được biết đến từ lâu.

Tôi để ý đến Cloudinary chủ yếu là về gói miễn phí của nó, sau mới là các tính năng nâng cao. CDN miễn phí thì vốn không có nhiều, điều đáng chú ý là Cloudinary đã duy trì gói free này một thời gian dài, và đối với website nho nhỏ, bậc miễn phí của họ vẫn đủ thoải mái.

Trong bài viết này tôi sẽ chỉ xem xét tổng quan Cloudinary thay vì đi sâu vào các chức năng chuyên biệt. Xem đây như một lựa chọn khả quan cho những ai muốn dùng CDN miễn phí (cho ảnh, và ảnh cũng là phần chiếm nhiều băng thông nhất trên đa số website).

Ưu điểm:

  • Tốc độ CDN ổn dù không quá cao, dùng lazy load ảnh thì nên sử dụng biện pháp native để tránh độ trễ;
  • Nén ảnh có cả WebP và tùy chọn nén không mất chất lượng. Trong khi các CDN miễn phí khác mà tôi biết đều nén suy giảm chất lượng ít nhiều (ví dụ Jetpack);
  • Miễn phí 25 GB CDN hoặc 25000 ngàn lượt chuyển đổi hoặc 25 GB lưu trữ. Ví dụ bạn dùng 10GB băng thông, 5000 ngàn lượt chuyển đổi, 1GB lưu trữ thì nghĩa là bạn đã dùng 40 + 20 + 4 = 64% giới hạn. Giới hạn này đủ thoải mái với trang blog có lưu lượng truy cập từ 10 – 20 ngàn view trên tháng với 500 – 600 bài viết;

Cập nhật: sau khi kiểm tra lại thì tôi nhận thấy tốc độ CDN của Cloudinary rất đáng nể, họ phối hợp từ 4 dịch vụ CDN khủng là Akamai, Fastly, và Amazon CloudFront. Vấn đề độ trễ ở trên có khả năng là do liên quan đến cách thức lazy load, bạn chỉ việc đổi sang kiểu lazy load khác là được.

Nhược điểm:

  • Chắc chắn gói miễn phí của Cloudinary không phù hợp với website có lưu lượng truy cập cao hoặc có nhiều ảnh (sẽ bị chạm giới hạn băng thông hoặc lưu trữ), trong trường hợp đó bạn nên tìm đến các CDN miễn phí khác thoải mái hơn nhiều như Jetpack hoặc Cloudflare;
  • Tên miền tùy chỉnh dạng cdn.ten-mien-cua-ban.com chỉ có ở gói Advanced, không có ở gói miễn phí, điều này có thể ảnh hưởng đến SEO phần nào;
  • Dù các dịch vụ CDN miễn phí khác cũng thường không có tên miền tùy chỉnh (Jetpack, Statically), tuy nhiên họ có canonical header để khắc phục nhất định, nhưng Cloudinary khi tôi kiểm tra cũng không thiết lập canonical header cho ảnh;
  • Thao tác cài đặt nhìn chung là đơn giản, nhưng với ai mới dùng WordPress thì sẽ thấy nó phức tạp hơn các cài đặt CDN miễn phí ở dịch vụ khác;

Kết luận: đối với người dùng quan tâm đến CDN miễn phí thì Cloudinary giá trị nhất ở khía cạnh nén ảnh không suy giảm chất lượng, có cả ảnh webp khi cần & tốc độ rất cao.


Cách đăng ký Cloudinary cho WordPress

Đăng ký miễn phí Cloudinary rất đơn giản, bạn chỉ việc truy cập vào đường dẫn: https://cloudinary.com/users/register/free rồi nhập vài thông tin cơ bản, rồi vào email click link xác nhận là xong.

Tiếp theo bạn cài plugin chính thức của Cloudinary ở liên kết này để việc sử dụng được dễ dàng: https://vi.wordpress.org/plugins/cloudinary-image-management-and-manipulation-in-the-cloud-cdn/

Đăng nhập vào Cloudinary bạn lấy API của họ ở phần Daskboard như hình dưới đây:

đăng nhập Cloudinary đễ lấy chuỗi API

Cuối cùng bạn vào plugin trên WP ở phần Getting Started và nhập API vừa lấy ở trên paste vào rồi nhấn Connect để việc up ảnh từ trang WP lên thư mục của Cloudinary diễn ra tự động:

kết nối với Cloudinary

Tùy chọn cơ bản

Cloudinary có tùy chọn đa dạng và phức tạp, ở phần setting thông qua plugin thì có đơn giản hơn. Với những ai dùng Cloudinary chủ yếu vì CDN miễn phí chất lượng cao của họ thì bạn bước đầu chỉ cần tập trung vào phần Image Optimization ở mục Media Settings.

Bạn chọn định dang ảnh auto & chọn chất lượng ảnh 100% như thế này:

tùy chọn chất lượng ảnh

Còn ở phần đồng bộ hóa thì bạn để như sau (lựa chọn này nghĩa là bạn để việc đồng bộ diễn ra tự động và ảnh lưu cả trên thư mục WP nội bộ và trên mây của Cloudinary):

Các tùy chọn sâu hơn khi có thời gian tôi sẽ tìm hiểu thêm và chia sẻ với mọi người sau.


Ngoài lề

Cloudinary là dịch vụ dành cho phân khúc cao cấp, ngoài cái gói miễn phí thì gói cơ bản của nó đã gần 100$/tháng, gói nâng cao là gần 250$ (đến hosting cũng chẳng mấy website đến ngưỡng này chứ chưa nói đến CDN). Gói free mà Cloudinary cung cấp nếu quy ra tiền khi so (một cách tương đối) với các gói có phí của họ là vào khoảng 10$.

Chả ai nhẩy từ miễn phí lên 100$ để dùng cả (vô lý cả về chi phí, cũng như quy mô một trang rất hiếm khi tăng đột ngột như thế). Nói cách khác gói miễn phí của Cloudinary chủ yếu tập trung vào nhóm nhỏ website sẽ KHÔNG có khả năng thành khách hàng của họ, nhưng đóng góp vào marketing của Cloudinary thông qua việc sử dụng dịch vụ đơn thuần, hoặc/và lan tỏa dịch vụ đó qua việc viết các bài đánh giá.

Back to Top