Categories Theme

Các theme WordPress tốt nhất (cập nhật năm 2020)

theme như là quần áo

Chú thích của người dịch: đây không phải bài viết nằm trong top 10 Google với từ khóa “best wordpress themes”. Tôi còn chả chắc bài của Johnny Nguyen có lọt vào top 100 không nữa. Nhưng điều mà tôi thấy thích là nó có “quan điểm” thú vị. Một bài viết chỉ có danh sách cụ thể các giao diện kèm với bảng điểm Google PageSpeed Insights hay Pingdom sẽ nhanh chóng lỗi thời chỉ sau một hai năm hay thậm chí là vài tháng (chưa kể tiêu thụ các danh sách như vậy mới chán làm sao). Các quan điểm lựa chọn tồn tại lâu hơn nhiều. Một hình tượng dễ hiểu hơn, đây là bài cho bạn cái cần câu chứ không phải chỉ có mỗi con cá (bất kể cá có to thế nào).

OK, giờ chúng ta bắt đầu vào bài nào.

Trong bài viết này tôi sẽ liệt kê Một danh sách các theme WordPress tôi thích và lý do giải thích vì sao! Tôi cũng đưa vào các theme mà tôi ghét nhất nữa (đem đến tầm nhìn rộng hơn). Nếu bạn quan tâm đến pagebuilders, hãy xem bài khác tôi viết dành riêng cho chủ đề này (có thể người dịch sẽ dịch sau).

Các theme WordPress (như chúng được gọi) là các tiện ích mở rộng (extension) riêng lẻ đem đến cho trang của bạn một giao diện khác (different look). Một số theme thì đơn giản với thiết kế tiêu chuẩn. Một số khác thì có vài cài đặt cơ bản cho phép bạn thay đổi màu sắc hoặc fonts. Và một số khác nữa với rất nhiều tùy chọn, cho phép bạn thay đổi từng chi tiết nhỏ nhặt (màu sắc, font, hoạt ảnh, thậm chí là chuyển layout để làm nó giống như một trang hoàn chỉnh). Rõ ràng: nhiều tùy chọn hơn sẽ phức tạp hơn.

Framework và Theme WordPress CAO CẤP:

  • Genesis Framework – chắc chắn là framework tốt nhất dành cho WordPress (được dùng bởi nhiều lập trình viên giỏi). Mã tốt nhất, nhanh và dễ sử dụng với nhiều theme chất lượng.
  • GeneratePress – theme có hiệu suất tuyệt vời và được hỗ trợ tốt. Rất được ưa thích trong nhóm lập trình viên và những người tự làm (DIY). Tôi thích tính năng “elements” của họ để thay thế cho việc phải dùng pagebuilders (nhưng không làm cồng kềnh trang như pagebuilders). Đây là theme tốt nhất với những ai không phải là coder.
  • Artisan Theme – tôi yêu thích các thiết kế độc đáo và dễ dùng của công ty ít tiếng tăm này. Tính năng “modules” rất thú vị mà không gây cồng kềnh như pagebuilders.
  • ElmaStudio.de – đến từ nước Đức. Nếu bạn thích kiểu thiết kế Bauhaus tối giản châu Âu, thì Ellen và Manuel tạo ra những thứ thật phi thường.
  • ThemeBeans – mã được viết tốt, gọn gàng sạch sẽ và các thiết kế tối giản hấp dẫn (giờ đã được GoDaddy mua lại rồi).
  • Maketer’s Delight – theme có mã viết tốt cho “người làm marketing trên internet”. Rất khuyến khích thay thế cho cái tên được biết đến nhiều hơn là Thrive, và nhìn chung là cả Thesis nữa.
  • Thesis Theme – UI vụng về, khó tùy chỉnh (cho người mới VÀ lập trình viên). Tuy nhiên trong quá khứ họ có nhiều theme phổ biến, và hiện nay vẫn có nhiều người dùng trung thành quen thuộc với nó.

Lời khuyên của tôi:

Các theme cao cấp làm bạn tốn tiến trong khi không phải lúc nào nó cũng tốt hơn theme miễn phí. Tất nhiên thường thì nó vẫn tốt hơn (usually the case). Cho nên không có gì ngạc nhiên khi theme miễn phí có xu hướng đơn giản hơn với chỉ vài tùy chọn trong khi theme trả phí trông đẹp hơn với nhiều tùy biến. Theme miễn phí thường không có hỗ trợ và được tạo ra để giúp các nhà lập trình theme tiếp thị theme trả phí của họ. Do vậy mà các tính năng có xu hướng bị cắt xén ít nhiều để khuyến khích bạn bỏ tiền ra nâng cấp.

Theme trả phí không chỉ nhiều tính năng hơn mà còn có nhiều hỗ trợ hơn. Qua thời gian, những theme này có khả năng cao được cập nhật và giữ được tính tương thích của chúng với máy chủ mới, các cập nhật của WordPress, và nhiều plugin khác. Và cho dù không phải TẤT CẢ theme trả phí đều chất lượng, chúng nhìn chung vẫn an toàn hơn cho tương lai website của bạn. Cập nhật theme mất nhiều công sức, vì thế làm thế nào mà lập trình viên có thể kiếm tiền chỉ với một lần bán duy nhất?

Theo quan điểm của cá nhân tôi (IMO), các nhà lập trình theme tồi tệ nhất là những người mà ngừng hỗ trợ theme cũ của họ khi họ tạo ra theme mới. Các nhà lập trình theme tốt nhất sử dụng cái được gọi là “framework”. Thay vì xây dựng một theme mới hoàn toàn và viết mã từ đầu. Họ vẫn sử dụng cùng các đoạn mã cơ bản và sau đó chỉ thay đổi phần thiết kế. Điều này trước đây được gọi là “parent theme” (theme chính) và “child theme” (theme tùy chỉnh). Nhưng giờ thuật ngữ đã thay đổi thành “framework” và “child theme”. Nếu bạn định mua theme cao cấp, cố gắng chọn cái có framework hoặc ít nhất thì cũng mua theme có nhiều người dùng và có nhiều hỗ trợ và phát triển liên tục.

Các theme WordPress miễn phí:

  • GeneratePress – framework ưa thích thứ 2 của tôi tại thời điểm này. Họ có phiên bản miễn phí đẹp mắt, và bản cao cấp chỉ có giá 39$! Hỗ trợ tuyệt vời và cộng đồng các thành viên mới cũng như chuyên nghiệp đông đảo. Rất khuyến khích bạn mua lấy một cái!
  • KadenceTheme – đẹp và ngọt ngào. Họ cũng có plugin KadenceBlocks. Tôi thích thiết kế sạch sẽ của họ.
  • Astra – theme miễn phí có khả năng tùy chỉnh rất tốt, nhẹ nhàng và tốc độ cao, tốt cho những ai đang sử dụng pagebuilders. Đây cũng là theme miễn phí phổ biến nhất ở thời điểm hiện tại. Chỉ có vấn đề là nó nhiều lỗi, hỗ trợ chậm chạp, tự động tải các plugin khác của họ!
  • OceanWP – theme starter miễn phí, đẹp và đi kèm với pagebuider. Tôi thích tính năng có thể vô hiệu hóa rất chi tiết tất cả script/style (nhưng tôi ước họ có nhiều chỉ dẫn, giải thích hơn). OceanWP yêu cầu plugin trả phí để có được đầy đủ tính năng. Cá nhân tôi không thích kiểu giá aggressive của họ cho chỉ một chút add-on và không lấy gì làm ngạc nhiên khi Astra phổ biến hơn.
  • Các theme mặc định của WordPress – vâng, chúng trông chả khác gì mấy rất nhiều theme khác có mặt ngoài kia, nhưng chúng không tệ đâu. Mã được viết tốt, chỉ cần cá nhân hóa giao diện một chút và tất cả được thiết lập xong xuôi!

Lời khuyên của tôi:

Theme miễn phí hầu như không bao giờ là lựa chọn tốt cho các website nghiêm túc. Sớm muộn bạn sẽ cần thay đổi thiết kế hoặc một tính năng nào đấy không có ở theme miễn phí. Và giờ bạn bị mắc kẹt ở ngã tư đường để quyết định xem có nên cài đặt các plugin cồng kềnh hay không, hay dùng mã tùy chỉnh cho các tính năng mở rộng này hoặc chuyển sang theme trả phí có thể làm bất kỳ điều gì bạn muốn. Ít nhất nếu bạn chọn theme miễn phí, hãy chọn cái nào đó có phiên bản “cao cấp” để bạn có thể nâng cấp nó.

Hãy cẩn thận với các theme tối giản quá mức. Tối giản có thể nhanh, nhưng đôi khi điều đó đạt được chẳng qua là vì nó “không hoàn chỉnh” mà thôi. Chẳng ích chi khi bạn chọn theme không hoàn chỉnh yêu cầu cài hàng tá plugin để hoạt động được, về cơ bản điều đó sẽ vô hiệu hóa tất cả khả năng tăng tốc của bạn.

Các theme WordPress TỆ (hoặc tầm thường):

  • AVADA – cồng kênh, chậm chạp, mã tệ, nhiều lỗi. Thiết kế có thể trông “cool ngầu” với chủ web mới bước chân vào nghề nhưng thực sự thì nó nhìn rất phô trương (gimmicky) và chung chung (generic) với các nhà thiết kế chuyên nghiệp.
  • Electro – quá cồng kềnh! Đừng sử dụng nó. Electro yêu cầu nhiều xử lý và truy vấn (hơn 1000 so với chỉ dưới 100 so với những theme khác), thậm chí là khi chẳng có gì trên trang.
  • Theme bán trên Envato – rất nhiều theme rác (junk) và chỉ có vài theme tốt ở đó mà thôi.
  • Flatsome – giao diện không tệ, nhưng lại quá cồng kềnh. Xin lỗi khi phải nói vậy!
  • Jupiter X theme – chậm và cồng kềnh!
  • MyThemeShop – nhiều giao diện chung chung được sản xuất hàng loạt (mass-produced). Một số cái rõ ràng là gian lận. Theme Schema mới nhất của họ trông giống như child theme mặc định của GeneratePress (cái mà tôi nghĩ Astra cũng sao chép).
  • ThemeForest – The7, BeTheme, Enfold, X. Chúng cũng rác chẳng khác gì AVADA. Trong khi các web chuyên nghiệp thực sự làm việc vất vả để cắt giảm những thứ không bản chất và dọn dẹp site của họ nhiều hơn nữa, những theme rác này lại chồng chất ngày càng nhiều tính năng để làm được mọi thứ cho bất cứ ai. Họ sẽ luôn luôn ít phù hợp với trang của bạn vì lý do này. Nhưng vâng, bạn có thể mua nó chỉ vì nó trông đẹp chung chung ở bề ngoài!
  • Qode – cồng kềnh!
  • Thrivesthemes – Tôi đặc biệt không thích cách tiếp thị phô trương của họ rằng giao diện rất tốt cho “các nhà tiếp thị trên internet”. Họ không tệ, nhưng đơn giản đây sẽ không phải là giao diện mà tôi muốn giới thiệu cho các nhà tiếp thị trực tuyến nghiêm túc để xây dựng trang web của họ.
  • ZigZagPress – trông cũng đẹp nhưng mã thì không. Hoặc ít nhất đó là điều nhiều lập trình viên nói vậy.

Lời khuyên của tôi:

Tôi nghĩ các theme này là tốt chỉ khi bạn muốn học WordPress và nghịch ngợm với các tùy chọn. Nhưng nói thực, chúng chỉ làm phí thời gian và tiền bạc mà thôi hoặc có các cách khác tốt hơn cho bạn. Nếu bạn có kế hoạch cho một website nghiêm túc và muốn có hàng ngàn người dùng, bạn cần nhanh chóng ném các theme này đi và chọn một cái khác. Tại sao? Vì chúng chậm, cồng kềnh, và có nhiều vấn đề tương thích với plugin khác mà bạn sẽ cần trong tương lai dưới vai trò chủ website.

Ồ, tôi nói chưa xong đâu nhé. Chúng rất khó khăn cho các nhà lập trình chuyên nghiệp để làm việc trên đó. Tôi liên hệ với các nhà lập trình thường xuyên, khi họ đề cập đến chuyện ai đó lại có “khách hàng sử dụng theme AVADA/X/DIVI”. Và tất cả bọn họ đều cười vì họ biết trò đùa bên dưới đó là gì. Điều thú vị là người dùng cũng sẽ sớm phát hiện ra mà thôi. Đây là lý do vì sao họ chọn theme này lúc đầu, bởi vì trông nó “cool ngầu”. Nhưng bạn sẽ sớm nhận ra “cool ngầu” chẳng hề cool chút nào, và trong thực tế là cực kỳ chung chung, bởi vì bây giờ bạn trông giống như hàng triệu website không chuyên nghiệp khác với cùng một thiết kế.

Vẫn chưa xong. Các theme này không dễ sử dụng. Họ TUYÊN BỐ rằng cung cấp cho bạn thiết kế tuyệt vời độc đáo, nhưng đoán xem, khi bạn thử thay đổi bất cứ thứ gì, bạn sẽ nhận thấy là mới khó nhọc làm sao. Các thay đổi đơn giản thì OK nhưng để làm bất cứ điều gì nhiều hơn một thay đổi nhỏ sẽ yêu cầu cần phải viết mã hoặc sự giúp đỡ từ lập trình viên hoặc cộng đồng. Các lập trình viên sẽ chậm trả lời, và bạn đoán thử xem tại sao? họ bị chôn vùi dưới hàng ngàn yêu cầu từ người dùng mới và cộng đồng cũng không đem lại nhiều sự trợ giúp như thông thường vì chỉ có rất ít lập trình viên chuyên nghiệp sử dụng. Trong khi dù các giao diện này có thể phổ biến và có nhiều người sử dụng, họ có nhiều người dùng MỚI không có khả năng giúp đỡ nhiều cho bạn.

NHƯNG VỀ GIAO DIỆN CỦA CHÚNG THÌ SAO! bạn nói “Nhưng các theme này trông rất đẹp!” phải không? Bạn có thể sao chép bất cứ giao diện nào bạn muốn với bất kỳ framework nào, hầu hết chẳng cần biết mã cũng làm được.

Theme WordPress nào bạn nên chọn?

Sự thật #1 – Bạn cần chọn theme phổ biến

Tại sao? Hỗ trợ thực sự cho theme đến từ cộng đồng chứ không phải những người lập trình ra chính theme đó. Theme càng phổ biến, sẽ có càng nhiều hỗ trợ bạn có thể tìm thấy cho nó (bài viết hướng dẫn, video hướng dẫn, vân vân). Sẽ dễ dàng cho bạn hơn để có được các mẹo miễn phí từ những người đã sử dụng nó trước và cũng dễ hơn để tìm được các lập trình viên chuyên nghiệp- người biết cách làm việc với nó hiệu quả. Các ứng dụng của bên thứ ba cũng có nhiều hơn. Các lập trình viên cũng nhiệt tình hơn trong chuyện giữ nó tiếp tục phát triển, cập nhật các xu hướng và tương thích với các plugin trong tương lai. Theme sẽ tiếp tục giữ phong độ và trở nên tốt hơn theo thời gian khi cộng đồng của nó phát triển (và lập trình viên nhận được phần thưởng xứng đáng cho sự phát triển liên tục).

Bắt cặp với theme không phổ biến từ một số công ty ít tên tuổi luôn luôn khiến bạn gặp rắc rối (không thành vấn đề là công ty phát hành tuyên bố họ “hỗ trợ” tốt đến đâu). Chẳng ai biết cách sửa lỗi hoặc tùy biến. Các lập trình viên không quen thuộc với nó và mất gấp đôi thời gian để thực hiện các thay đổi đơn giản. Điều này có nghĩa là bạn KHÔNG BAO GIỜ nên thử một theme mới hoặc công ty theme mới? Nếu bạn có website quan trọng, tôi nghĩ điều đó là đúng đấy ạ.

Sự thật #2 – bạn nên có framework

Frameworks cho phép các nhà phát triển theme sử dụng lại các mã chức năng (functional code) trong khi vẫn linh hoạt với mã thiết kế (design code). Bên cạnh thẩm mỹ, theme cần được viết sao cho có khả năng tương thích với các plugin (bán hàng, đa ngôn ngữ), máy tìm kiếm Google, chia sẻ trên mạng xã hội, khả năng truy cập, tích hợp tùy biến WP, DNS prefetch, và nhiều vấn đề khác ngoài tầm hiểu biết của tôi. Viết lại code cho từng theme mới sẽ tốn thời gian và có lẽ là sẽ bị bỏ qua!

Nhưng nếu bạn mua theme từ công ty sử dụng framework, bạn có thể tin tưởng là theme của họ sẽ được viết mã tốt và được hỗ trợ vì tất cả cùng chia sẻ mã cơ bản giống nhau. Bạn có thể sử dụng một trong các theme cũ của họ nhưng vẫn được cập nhật các mã cơ bản và tối đa hóa khả năng tương thích/bảo mật. Không chỉ có vậy, nếu bạn xây dựng theme trên nền framework, bạn sẽ được cập nhật framework miễn phí khi cần mà không phải lo lắng thiết kế của bạn bị phá vỡ hoặc mất tính tương thích vào ngày nào đó. Đây quả là một ý tưởng tuyệt vời!

Tôi không bao giờ thích các nhà phát triển theme nhảy từ theme nọ sang theme kia, hút tiền của mọi người trong thời gian ngắn trước khi từ bỏ nó để đến với dự án hút máu tiếp theo! Điều này góp phần làm gia tăng vùng đất hoang của các mã bị bỏ rơi…để lại trang web bị tổn thương đầy những vấn đề mà các nhà lập trình khác phải dọn dẹp. Nó là việc lãng phí mã vô đạo đức và lừa dối khách hàng, ngăn cản họ có được giải pháp bảo đảm hơn cho tương lai.

Sự thật #3 – khi nghi ngờ, hãy chọn điều gì đó trung tính hơn

Đây là phần khó nhất. Nhiều người mới tham gia lĩnh vực này thấy hàng tỷ theme khác nhau, và mỗi cái đều trông đẹp tuyệt vời theo cách riêng của nó. Khi nghi ngờ, nên nhớ đó là về nội dung chứ không phải theme. Đoạn văn nào bạn nên có, hình ảnh nào bạn nên có? Bạn sẽ đưa bài viết vào đâu?

Đừng phí thời gian tìm thiết kế “cool ngầu” và rồi sau đó cố đưa nội dung của bạn vào hoặc thậm chí tệ hơn-tạo nội dung phù hợp với thiết kế của bạn. Có một khả năng thậm chí còn tồi tệ hơn nữa, đó là thiết kế làm phân tán người dùng khỏi nội dung của bạn. Theme đỏ đậm trông tuyệt vời ở phần preview (trang demo xem trước) nhưng khi đưa nội dung vào thì giờ nó cho cảm giác như thể màu đỏ ở khắp mọi nơi, xung đột với hình ảnh của bạn, và bạn phát ốm vì nó. Nội dung và logo của bạn càng thú vị, thiết kế của bạn càng trung hòa (để nội dung của bạn tỏa sáng). Và nội dung của bạn càng đơn giản, thiết kế của bạn lại áp đảo hơn.

Chọn theme không phù hợp sẽ khiến bạn nhanh chóng rời bỏ nó. Layout độc đáo cũng có thể cho cảm giác buồn chán khi bạn muốn trang web chỉ cần có chức năng giống như trang thông thường. Side-scrolling có thể hay ho cho các trang portfolio nghệ thuật chứ không phải cho blog đưa tin hàng ngày, trang bán hàng, trang kinh doanh- khi người đọc chỉ muốn nội dung của bạn.

Tại sao một số theme lại rất chậm?!

Bạn có bao giờ để ý là nhiều theme trên Envato, ThemeForest, hoặc Code Canyon chậm như sên bò không?

Bạn nghĩ tạo sao lại xảy ra chuyện như vậy?

Đó là bởi vì họ viết mã đó cho người mới/không phải coder. Họ tải mọi thư viện CSS/JS từng được phát minh, vì thế mọi người không cần học cách viết mã.

Hãy nghĩ về điều đó giống như thế này:

  • Lập trình viên thích làm việc trên tờ giấy trắng…chỉ vẽ những thứ họ cần.
  • Những người mới thì khác, họ mua toàn bộ cửa hàng…mua mọi bài hát trên tất cả CD thậm chí khi họ chỉ thích có vài bài. Và rồi sau đó họ dành phần đời còn lại để ngăn chặn tải các thành phần không mong muốn.

Nó cũng giúp bạn RẤT NHIỀU trong chuyện tránh phải sử dụng pagebuilder. Nếu tất cả điều bạn cần là pagebuilder chỉ cho trang chủ, bạn có thể tùy biến mã của nó với giá từ 300 tới 1000$. Thật đáng đồng tiền, bát gạo. Thiết kế nó trong Elementor trước nếu bạn muốn, rồi đưa nó cho lập trình viên và nói “Tôi muốn bạn viết mã tay cái này”.

Đó là lý do vì sao, chúng tôi tự xây dựng rất nhiều themes/plugin nội bộ (in house). Chúng tôi muốn nó tải CHỈ những cái mà chúng tôi cần và không cái gì khác nữa. Điều đó giải thích vì sao các trang web của chúng tôi lập kỷ lúc về tốc độ. Chúng tôi có các trang WooCommerce lạ mắt tải trong vòng có 200ms.

Giờ với các khách hàng nhỏ hơn thì sao, họ chỉ có vài ngàn đô la…không phải khoản đầu tư lớn. Ổn thôi, hãy chọn một theme gọn gàng sạch sẽ, và tùy chỉnh mã cho trang chủ. Và bạn có khả năng tải trang dưới 1 giây khá dễ dàng chỉ với vài ngàn đô (ở Việt Nam, chắc là chỉ từ vài triệu cho đến chục triệu).

(Dịch từ bài viết: Best WordPress Themes – UPDATED 2020, tác giả: Johnny Nguyen)

Back to Top